Ngành nhựa ưu tiên đầu tư xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh

Gần đây xuất khẩu nhựa của Việt Nam có sự khởi sắc, tăng dần qua các tháng và được kỳ vọng có sự phát triển rõ rệt vào những tháng cuối năm. Trước tình hình này ngành nhựa ưu tiên thu hút các khoản đầu tư xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và trở thành một ngành có nhiều triển vọng hấp dẫn cho giao dịch mua bán và sáp nhập.

Tổng cục Thống kê cho hay, hiện ngành nhựa Việt Nam có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước và 90% trong đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tổng thu ngành nhựa đạt trên 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%. Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam sản xuất đầy đủ các chủng loại nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu. Tính đến nay đã có hơn 160 quốc gia trên thế giới nhập khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam.

Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam ( VPA ), Chủ tịch HĐQT CTCP Rạng Đông Holding cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam đang chậm lại kể từ cuối năm 2022 đến nay do ảnh hưởng từ tác động của đại dịch COVID-19 nói riêng và tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung.

Hiện tại ở các thị trường lớn của sản phẩm nhựa Việt Nam có dấu hiệu giảm lượng tồn kho nên VPA kỳ vọng trong các tháng cuối năm 2023 tiêu thụ sản phẩm nhựa sẽ có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn các đơn hàng. Đồng thời, đầu ra nội địa cũng như quốc tế cũng được kỳ vọng có tiến triển tích cực ở năm 2024.

Nhựa Việt Nam cần thu hút đầu tư xanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nhựa Việt Nam cần thu hút đầu tư xanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đánh giá theo xu hướng trong giai đoạn 2023 – 2028, ông Lam cũng chỉ ra ngành nhựa Việt Nam cũng như thế giới có 5 vấn đề lớn, Thứ nhất tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành nhựa thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa trong tương lai, do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế và nông nghiệp vẫn đang tăng lên.

Thứ hai là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng, ngành nhựa Việt Nam và thế giới sẽ hướng đến chuyển sang sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường như nhựa tái chế, nhựa sinh học.

Thứ ba là tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao nhưng tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu và giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Thứ tư, do cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt nên các doanh nghiệp cần nỗ lực để tăng năng suất và cải thiện chất lượng nhưng giảm thiểu chi phí sản xuất để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cuối cùng là Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho ngành nhựa nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quy định về môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ngành nhựa Việt Nam vẫn được ví như ngành gia công vì phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu cũng như máy móc thiết bị. VPA cho biết, sản lượng nguyên liệu nhập khẩu tăng đều qua các năm. Thế nhưng, đến nay Việt Nam đã có thể sản xuất được các nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Tùy nhiên chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các nước trên thế giới.

Ông Hồ Đức Lam cũng nhận định rằng, với xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như tại Việt Nam, Chính phủ đang xây dựng ngành công nghiệp tái chế nhựa trong nước để tạo nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh. Điều đó sẽ góp phần gia tăng đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các nhà cung ứng thiết bị máy móc và nguyên vật liệu mới trong tương lai.

Cũng về vấn đề này, ông Chung Tấn Cường - Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP Hồ Chí Minh cho hay, trong những năm tới Hiệp hội xác định với các công ty thành viên là thu hút thêm đầu tư xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh và có thêm đơn đặt hàng. Đồng thời cũng khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào việc cung cấp đầy đủ và minh bạch dữ liệu để các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhờ đó giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh.

Tuy nhiên, hiện nay ngành nhựa vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư xanh, phần lớn đến từ việc hạn chế thông tin cho nhà đầu tư đánh giá hiệu suất ESG của các doanh nghiệp nhựa. Do đó ngành nhựa Việt Nam cần tích cực tìm kiếm các giải pháp tài chính xanh để đáp ứng các mục tiêu bền vững, đồng thời chủ động đối phó với thách thức về rủi ro thanh khoản thông qua việc kết hợp với các tổ chức tài chính trích lập quỹ dự phòng và quản lý rủi ro tín dụng từ khách hàng.

Uyển Nhi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nganh-nhua-uu-tien-dau-tu-xanh-nham-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-1096760.html