Ngành ngân hàng Yên Bái khẳng định vai trò động lực trọng yếu cho nền kinh tế

Khép lại một năm đầy khó khăn, với sự chỉ đạo điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục khẳng định vai trò trọng yếu, đóng góp đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái.

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái.

Đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát ở mức cao, lãi suất tăng liên tục đã tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng như gây áp lực lên điều hành tỷ giá.

Ông Nguyễn Quang Đạt - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "Trong bối cảnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trong năm qua, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã 4 lần hạ lãi suất điều hành. Trên cơ sở đó, các ngân hàng đã chủ động xây dựng chiến lược để tiết giảm chi phí, từng bước hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Qua đó, ngành đã đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì sự ổn định”.

Theo NHNN Chi nhánh tỉnh, đến 31/12/2023, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 49.897 tỷ đồng, tăng 18,25% so với cùng kỳ. Nguồn vốn huy động tăng trưởng khá, giúp các ngân hàng, tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, cải thiện khả năng thanh khoản và thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo vốn cho nền kinh tế.

>> Agribank Chi nhánh Yên Bái làm tốt công tác huy động vốn

Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 41.530 tỷ đồng, tăng 12,84% so với 31/12/2022, hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tối thiểu đặt ra trong năm là 12% -14%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ưu tiên đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 19.283 tỷ đồng, chiếm 46,43% tổng dư nợ; dư nợ cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt 13.027 tỷ đồng, chiếm 31,37% tổng dư nợ; dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 1.005 tỷ đồng, chiếm 2,42% tổng dư nợ; dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.868 tỷ đồng, tăng 16,68% so với cùng kỳ năm 2022.

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục thực hiện và đến 31/12/2023 các chi nhánh ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ cho vay là 1.900 tỷ đồng cho 125 khách hàng; trong đó, có 54 doanh nghiệp; doanh số cho vay là 3.875 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 1.570 tỷ đồng.

Lũy kế thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đến nay các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ vốn vay đối với 1.549 lượt khách hàng, số tiền cam kết cho vay là 22.909 tỷ đồng và doanh số cho vay là 69.382 tỷ đồng; cam kết hỗ trợ giảm lãi suất cho 7.381 khách hàng với dư nợ là 6.406 tỷ đồng; gia hạn nợ cho 47 khách hàng với số tiền 550 tỷ đồng và cơ cấu lại vay cũ về mức phù hợp cho 198 doanh nghiệp với dư nợ là 1.967 tỷ đồng. Kết quả đó, đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ

Năm 2023 cũng ghi nhận nỗ lực của NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái trong việc chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm, các ngân hàng thương mại đã dành nhiều tâm huyết cho hoạt động hỗ trợ khách hàng bằng gói cho vay bù lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/ NĐ-CP. Đến 31/12/2023, đã hỗ trợ lãi suất cho 6 khách hàng với dư nợ là 128,1 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là 1.050 triệu đồng, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất từ đầu Chương trình là 267,4 tỷ đồng.

Cùng với đó, thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 24 lượt khách hàng với tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ là 113,04 tỷ đồng.

>> Tăng trưởng tín dụng chưa như kỳ vọng

Cùng với hệ thống ngân hàng thương mại, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cũng thực thi hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "Ngoài các chương trình tín dụng dụng chính sách thường niên, NHCSXH đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đến 31/12/2023, đơn vị đã giải ngân cho 7.162 lượt khách hàng với tổng số tiền 461,3 tỷ đồng; trong đó, riêng Chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 350,5 tỷ đồng với 5.018 khách hàng được vay vốn. Phần còn lại là các chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính; cho vay nhà ở xã hội; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Cùng đó, triển khai cho vay 2 chương trình tín dụng chính sách mới là cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi đạt 32,2 tỷ đồng và cho vay người chấp hành xong án phạt tù đạt 1,69 tỷ đồng. Kết quả trên đã thực sự giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo”.

Với những kết quả đạt được trong năm 2023, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục khẳng định vai trò "huyết mạch”, đóng góp đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/317468/nganh-ngan-hang-yen-bai-khang-dinh-vai-tro-dong-luc-trong-yeu-cho-nen-kinh-te.aspx