Ngành KH&ĐT và chuyện 'tự lấy đá ghè chân mình'

Năm 2024, rất nhiều nhiệm vụ khó, nặng nề và quan trọng đang chờ đợi toàn ngành KH&ĐT. Càng khó khăn lại càng cần hơn nữa sự tham mưu trí tuệ, đột phá của toàn ngành trong việc phấn đấu thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra. Như nhiều người thường nói Bộ KH&ĐT 'đã tự lấy đá ghè chân mình' nhưng tất cả vì sự phát triển của đất nước.

Đây là những chia sẻ tâm huyết của Người đứng đầu Ngành KH&ĐT – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, với những kỳ vọng, ấp ủ mở ra một giai đoạn mới của đất nước.

'Từ bỏ lợi ích riêng để vì cái chung' của đất nước

Tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam đạt 5,05% mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực. Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, việc Việt Nam giữ mức tăng trưởng trên 5% là rất ấn tượng.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI).

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế tiếp tục thể hiện sự chống chịu tốt trước các biến động của nền kinh tế toàn cầu. Đây là tín hiệu rất khả quan so với các nền kinh tế có độ mở lớn.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng nếu như "làn gió ngược" toàn cầu chủ yếu về lạm phát tăng cao dẫn đến đầu tư và tiêu dùng giảm, thì tại Việt Nam “làn gió ngược” này còn nặng hơn là phải đi ngược lại xu thế đó bởi Việt Nam là nước phát triển dựa vào xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, bối cảnh tình hình thế giới đã tác động không nhỏ, trong cả trước mắt và lâu dài đến nền kinh tế của cả nước và các địa phương, nhưng Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong năm 2023 và trong hơn nửa nhiệm kỳ qua. Đặc biệt trong tâm thế bản lĩnh, tự tin, từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời từng bước chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn.

Trong đó, có những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam, tạo vận hội, thời cơ, thuận lợi mới để cả nước chuyển mình theo các mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra là: đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, có được thành tựu này là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, Nhân dân cả nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có sự đóng góp của toàn ngành KH&ĐT và Thống kê nói chung và Bộ KH&ĐT nói riêng.

Trong năm 2023 và những năm gần đây của ngành KH&ĐT, có thể khái quát những điểm sáng như: Phát triển hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển, phù hợp với thế và lực mới của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương ở cả hiện tại và tương lai. Ví dụ điển hình như, trong đầu tư công, đã nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… các “quả đấm thép” cho đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương.

Hay trong quy hoạch, Việt Nam đã kiên định, kiên trì trình Quốc hội qua 3 Kỳ họp để ban hành Luật Quy hoạch. Cắt giảm hơn 20 nghìn quy hoạch trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong 01 quy hoạch tỉnh duy nhất.

“Qua đó, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, tổ chức lại không gian phát triển của các ngành và địa phương; vận dụng hiệu quả cơ chế thị trường để loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con”, Bộ trưởng Dũng nói.

Trong công tác kế hoạch hóa, quản lý nhà nước, ngành đã thay đổi tư duy mạnh mẽ, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, tập trung vào nghiên cứu những vấn đề lớn của đất nước ở tầm vĩ mô, như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, mô hình kinh tế mới…

“Đây chỉ là 3 trong rất nhiều điểm mới mà chúng ta đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền để phê duyệt tổ chức thực hiện; từ bỏ lợi ích riêng để vì cái chung của đất nước. Như nhiều người thường nói Bộ Kế hoạch và Đầu tư “đã tự lấy đá ghè chân mình”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận.

Biến thách thức thành động lực phát triển

Đáng chú ý, với vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với số vốn FDI đăng ký năm 2023 đạt khoảng 36,6 tỷ USD, tăng trên 32%, mà còn chủ động, tích cực đầu tư ra bên ngoài, sang cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada… và trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới.

Trong khó khăn luôn có cơ hội, nếu biết chớp thời cơ, thì thách thức có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Đây là những kết quả quan trọng, không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, mà còn nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, cải thiện rõ nét các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai.

Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những thách thức như dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều, nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là nguồn lực tư nhân. Trong nhiều năm qua, Việt Nam là điểm sáng toàn cầu trong thu hút FDI, nhưng liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, thiếu gắn kết, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao công nghệ và cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị toàn cầu….

Bước sang 2024, dự báo vẫn tiếp tục là một năm còn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ vẫn giảm nhẹ. Mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước năm tới đạt từ 6 - 6,5% là một thách thức.

Theo Người đứng đầu ngành KH&ĐT, trong khó khăn luôn có cơ hội, nếu biết chớp thời cơ, thì thách thức có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Càng trong khó khăn lại càng cần hơn nữa sự tham mưu trí tuệ, đột phá của toàn ngành trong việc phấn đấu thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.

“Chúng ta cần tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, giữ vững ngọn cờ cải cách, không ngừng đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, dũng cảm vượt qua chính mình, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước. Khi đã vững về pháp luật, thông về đường lối, chủ trương, định hướng đúng đắn, với một tâm sáng, bầu nhiệt huyết thì chúng ta có thể làm được mọi việc, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển, thịnh vượng của đất nước”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nganh-kh-dt-va-chuyen-tu-lay-da-ghe-chan-minh-1097827.html