Ngành Hải quan triển khai nhiều giải pháp chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp

Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua đối diện nhiều khó khăn, ngành Hải quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để tạo thuận lợi tối đa cho thông quan hàng hóa, qua đó chia sẻ gánh nặng với cộng đồng doanh nghiệp.

100% thủ tục thực hiện bằng phương thức điện tử

Là một trong những hệ thống đi đầu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), phương tiện xuất nhập cảnh, ngành Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) XNK.

Chia sẻ về những giải pháp này, ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, ngành Hải quan đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, theo hướng thủ tục hải quan được đơn giản hóa. Các bước/trình tự quy trình thủ tục hải quan được tối ưu hóa, tạo thuận lợi tối đa cho người khai hải quan nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý của cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, ngành thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK, tiến tới số hóa quy trình theo mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Hiện nay, 100% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử. Theo đó, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan cũng được nộp và xuất trình dưới dạng đính kèm qua hệ thống.

Giá trị xuất nhập khẩu đạt 402,61 tỷ USD

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến hết ngày 15/8/2023 đạt 402,61 tỷ USD, giảm 16,2%, tương ứng giảm 78,02 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, ngành Hải quan cũng thường xuyên đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hải quan. Hiện nay, toàn quốc đã có 19 máy soi hành lý tại các cửa khẩu biên giới đất liền; 19 máy soi container di động; hàng vạn lượt sử dụng seal định vị...

Các hệ thống giám sát, quản lý hải quan và một số phần mềm như: Hệ thống tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử đối với hàng hóa nhập khẩu qua đường bộ, đường thủy nội địa; Phần mềm quản lý tem điện tử rượu và thuốc lá điện tử; Hệ thống phần mềm quản lý kinh doanh hàng miễn thuế. Đề án cửa khẩu số theo mô hình cửa khẩu thông minh... cũng được tích cực thực hiện.

“Việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại trong công tác kiểm tra giám sát hải quan góp phần nâng cao hiệu quả công việc, giảm áp lực cho DN; hạn chế phiền hà, sách nhiễu trong thực thi công vụ, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa; giúp DN XNK chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh” - ông Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh.

Đa dạng sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp

Không chỉ ở cấp toàn ngành, các đơn vị hải quan địa phương cũng có nhiều sáng kiến để đồng hành cùng DN.

Đơn cử tại Bình Dương, tình hình DN cũng gặp khó khăn chung như cả nước, nhiều DN đơn hàng xuất khẩu sụt giảm đáng kể, có xu hướng thu hẹp sản xuất, thậm chí có DN tạm ngưng hoạt động hoặc ngưng hoạt động. Trước thực tế đó, Cục Hải quan Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng DN, tạo thuận lợi thương mại và logistics phát triển trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trần Hiệu - Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, đơn vị phân ra hai nhóm DN để hỗ trợ. Thứ nhất, đơn vị hỗ trợ DN đã và đang sản xuất tiếp cận, thực thi các quy định mới. Thứ hai, đơn vị phổ biến các chính sách ưu đãi, các giải pháp tạo thuận lợi cho DN để kêu gọi DN đầu tư tại Việt Nam. Trong lúc này, DN không chỉ duy trì tháo gỡ khó khăn mà phải làm sao tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư mới.

Đáng chú ý, vừa qua Tập đoàn Lego đầu tư vào Bình Dương, cơ quan hải quan đã cử một tổ hỗ trợ DN ngay từ những khâu đầu tiên. Đến nay dù DN chưa đi vào sản xuất nhưng tất cả các bước xây dựng nhà máy sản xuất đều thuận lợi, không gặp khó khăn vướng mắc.

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hoạt động XNK của DN giảm sút do bị tác động bởi nhiều nguyên nhân. Trước thực tế này, các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã xây dựng các kế hoạch hoạt động hợp tác hải quan - DN tại đơn vị. Theo đó, các đơn vị tổ chức các buổi gặp gỡ, tháo gỡ vướng mắc cho DN. Tại đây, lãnh đạo các đơn vị lắng nghe các khó khăn vướng mắc của DN để từ đó khắc phục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trên cơ sở tuân thủ pháp luật về hải quan.

Cục cũng thành lập tổ nghiệp vụ gồm những công chức giỏi nghiệp vụ chuyên môn nhằm mục đích khi có vướng mắc phát sinh của DN sẽ được hướng dẫn... mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng DN; góp phần giải quyết nhanh thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho DN.

“Chúng tôi đặt ra phương châm hành động là cộng đồng DN và cơ quan hải quan là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển để triển khai các giải pháp hỗ trợ được hiệu quả” - ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Tương tự tại Hà Tĩnh, cơ quan hải quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp để khơi thông dòng chảy hàng hóa XNK trên các tuyến; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh cắt giảm chi phí không cần thiết cho DN; bố trí cán bộ công chức trực 24/24h để bảo đảm thông quan hàng hóa một cách nhanh nhất.

Những giải pháp đồng bộ và linh hoạt đó đã mang lại hiệu quả tích cực. Trên tuyến đường bộ Cầu Treo, hoạt động thông quan hàng hóa thời gian qua diễn ra hết sức sôi động, mang về kim ngạch XNK đạt 294,7 triệu USD sau 8 tháng, tăng 18,26% so với cùng kỳ năm 2022.

Những nỗ lực đó của cơ quan hải quan trên cả nước đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao, góp phần cải thiện hoạt động ngoại thương trong thời gian qua.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM):

Cần sự chung tay của các bộ, ngành

Doanh nghiệp (DN) đánh giá rất cao những nỗ lực của ngành Hải quan trong việc triển khai các cải cách, hỗ trợ cho DN khi thực hiện thủ tục. Thực tế, trong quá trình thông quan hàng hóa, khi DN gặp vướng mắc, cơ quan hải quan luôn cầu thị, lắng nghe và kịp thời giải quyết.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của DN không chỉ liên quan đến ngành Hải quan mà còn liên quan nhiều đến các ngành, đơn vị khác. Nếu chỉ mỗi ngành Hải quan thay đổi thì chưa thể giúp DN có được những hỗ trợ nhanh, kịp thời nhất để phục hồi XNK trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay. Các bộ quản lý chuyên ngành cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để cùng với cơ quan hải quan giúp DN khơi thông dòng chảy thương mại.

Ông Kim Jin Sung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung:

Ngành Hải quan có nhiều giải pháp đổi mới, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan đã triển khai hải quan điện tử, đóng góp nhiều vào giảm thiểu hồ sơ, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN. Cơ quan hải quan cũng đã áp dụng hệ thống quản lý giám sát tự động tại cảng hàng không và nâng cao năng lực giám sát, đáp ứng tiến độ giao nhận hàng hóa XNK.

Tổng cục Hải quan cũng có các giải pháp thực hiện các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động XNK của các DN. Tiêu biểu là các hoạt động hội thảo, đối thoại, lắng nghe ý kiến để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh các văn bản quy định pháp luật liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế của sự phát triển.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-trien-khai-nhieu-giai-phap-chia-se-ganh-nang-voi-doanh-nghiep-135821-135821.html