Ngành Hải quan: 78 năm tạo động lực phát triển thương mại đất nước

Cách đây 78 năm, ngày 10/9/1945, chỉ sau 8 ngày thành lập nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu, tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay. 78 năm qua, Hải quan Việt Nam đã có sự lớn mạnh, trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Tàu tuần tra trên biển của Hải quan Quảng Bình.

Các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào kết quả đáng tự hào của ngành Tài chính, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Những năm gần đây, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với những khó khăn lớn. Trước tình hình đó, ngành Hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó tạo động lực mới cho doanh nghiệp (DN) phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Hải quan tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, 10 nhóm chỉ tiêu cải cách, đi kèm là các giải pháp đã được t hực hiện. Trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng DN tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...

Một chương trình khác đã triển khai nhiều năm như Chương trình DN ưu tiên về hải quan, đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu. Qua thời gian thí điểm từ năm 2011, triển khai chính thức từ năm 2014, tính hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 DN đang được áp dụng chế độ DN ưu tiên. Đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình DN ưu tiên với Hải quan các nước thành viên ASEAN. Đây là thỏa thuận về DN ưu tiên đầu tiên với nước ngoài mà Việt Nam ký kết và triển khai thực tế.

Đồng hành cùng doanh nghiệp cũng chính là bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, ngành Hải quan đã khẳng định vai trò trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu và gian lận thương mại. Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Trong công tác đối thoại DN, có thể nói, cơ quan hải quan là một trong số các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức nhiều nhất, thường xuyên nhất hoạt động đối thoại này, như năm nay chúng tôi yêu cầu đối thoại với DN theo hình thức trực tuyến tối thiểu 1 lần/quý tại cấp chi cục hải quan và 2 lần/năm tại cấp cục hải quan tỉnh, thành phố. Thông qua hoạt động đối thoại, các vướng mắc được kịp thời tháo gỡ, nhiều vấn đề liên ngành được các bộ, ngành chung tay tháo gỡ.

Xác định “đồng hành cùng DN” là nhu cầu, là trách nhiệm của ngành Hải quan trong việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn cũng như gia tăng động lực cho DN trong phát triển, Kế hoạch Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - DN được ngành Hải quan triển khai các năm qua đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo DN. Với Kế hoạch này, cơ quan hải quan hỗ trợ DN tiếp cận kịp thời các thông tin quy định pháp luật mới trong đó phân loại theo từng loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu, xu hướng phát triển thương mại xuất nhập khẩu; chú trọng hỗ trợ đối với nhóm DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của DN...

Từ năm 2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định về việc triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Năm 2023, chương trình đã được đẩy mạnh tại các cục hải quan địa phương với hàng loạt bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan hải quan và DN. Đây là một hoạt động thiết thực, là hoạt động mà ít cơ quan quản lý thực hiện. Với những lợi ích thiết thực, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng DN, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của DN đối với việc tuân thủ pháp luật.

Ngành Hải quan đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% DN tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Và sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của DN, phấn đấu tăng tỷ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động xuất nhập khẩu.

Bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường khẳng định: Đồng hành cùng DN cũng chính là bảo vệ DN làm ăn chân chính, ngành Hải quan đã khẳng định vai trò trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu và gian lận thương mại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã và đang diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Ngành Hải quan xác định cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho DN, ngành cũng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tổng cục Hải quan đã sớm nhận diện được những nguy cơ, rủi ro về hoạt động tội phạm trong tình hình mới, chủ động xây dựng, triển khai các biện pháp đấu tranh, qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng để bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng.

Nhận định chuyển đổi số là xu thế thời đại, ngành Hải quan là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ số vào các quy trình nghiệp vụ. Trong Chiến lược Phát triển Hải quan đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh”.

Ngành Hải quan đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hải quan số, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành hải quan thông minh. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu này.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của ngành Hải quan

Thời gian vừa qua, trong tình hình khó khăn do tác động của dịch Covid - 19, cộng đồng DN đã chứng kiến những nỗ lực cải cách của cơ quan hải quan trong việc hỗ trợ DN phục hồi hoạt động kinh doanh. Những hướng dẫn và chỉ đạo mang tính thực tiễn, có tính ứng dụng cao, phù hợp với tình hình và bối cảnh trong nước của ngành Hải quan đã góp phần giúp đỡ các DN trong việc đẩy nhanh quá trình thực hiện thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian và chu trình vận hành.

Theo ông Son Won Sik - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), chủ trương hiện đại hóa hải quan thông qua hệ thống điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển hệ thống hải quan thông minh, ban hành chính sách quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa,… đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, không để gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan còn không ngừng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN bố trí nguồn nhân lực đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc tổ chức các buổi đối thoại trực tuyến để trao đổi, thảo luận và giải đáp các vấn đề vướng mắc phát sinh của DN, tạm dừng, tạm hoãn các cuộc kiểm tra sau thông quan khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát.

“Nhìn chung, tổng thể các biện pháp cải cách thủ tục hành chính và quản lý thực hiện thanh tra, kiểm tra của cơ quan hải quan đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh được cộng đồng ghi nhận và đánh giá rất cao” - ông Son Won Sik nhấn mạnh./.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-hai-quan-78-nam-tao-dong-luc-phat-trien-thuong-mai-dat-nuoc-135348-135348.html