Ngành giáo dục và đào tạo thiết thực học tập và làm theo BácTin khácLễ hội Kỳ Hoa: Dư âm vọng mãi47 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hoạt động thiết thực, gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động trọng tâm của ngành, nổi bật là cuộc vận động 'Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo' và phong trào thi đua 'Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực'…

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thời gian qua sở đã cụ thể hóa việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các hoạt động thường xuyên trong cơ quan, đơn vị, gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành; khuyến khích thầy, cô giáo tự học tập, rèn luyện và hỗ trợ đồng nghiệp cùng tiến bộ. Ngành GD&ĐT tỉnh cũng đặc biệt quan tâm gắn việc học theo Bác với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; yêu cầu các cơ sở giáo dục chú trọng việc xây dựng môi trường học đường xanh, sạch, đẹp, thân thiện với người dạy và người học.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 14.600 giáo viên đứng lớp từ cấp mầm non đến phổ thông. Để cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo” đạt hiệu quả, hằng năm, sở đều tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia các lớp chuyên môn để nâng cao trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định. Từ đầu năm học 2021 – 2022 đến nay, sở đã cử 360 giáo viên tham gia nâng chuẩn đào tạo; cử 151 giáo viên tham gia đào tạo văn bằng 2 về tin học, công nghệ. Cùng đó, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn, đổi mới phương thức giảng dạy… cho hơn 5.000 giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với sự quan tâm của ngành, đội ngũ giáo viên cũng không ngừng nỗ lực vượt khó, tích cực nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, chủ động bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các giáo viên đã tích cực đề xuất các sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy, từ năm 2019 – 2020 đến nay, mỗi năm có hơn 900 sáng kiến kinh nghiệm được đề xuất. Cùng đó, hằng năm, có hàng nghìn lượt giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Tính riêng tại cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh từ mầm non đến THPT, qua cuộc thi, mỗi năm có khoảng hơn 200 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Cô giáo Bùi Thị Thanh Vân, Giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan cho biết: Học Bác, tôi đã không ngừng rèn luyện, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm khi làm việc… Cùng đó, tôi còn tích cực hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, nổi bật như đề tài “Bước đầu thiết kế lược đồ yêu nước của đồng chí Lương Văn Tri (1925 – 1941) do cô hướng dẫn được Hội đồng nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đánh giá cao. Với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của bản thân, từ năm 2018 đến nay, cô liên tục được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và là 1 trong 183 giáo viên được Bộ GD&ĐT vinh danh giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2020.

Cùng với cuộc vận động dành cho các cán bộ quản lý, giáo viên, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng là nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được ngành GD&ĐT quan tâm. Các cơ sở giáo dục đã tăng cường chỉnh trang, quy hoạch các phòng học, phòng chức năng, khu vui chơi và trồng cây xanh, hoa, thảm cỏ trong sân trường; xây dựng “Thư viện thân thiện”, “thư viện mở” bảo đảm khoa học, hợp lý, theo quy định của trường đạt chuẩn quốc gia. Với những cách làm đó, từ năm học 2019 – 2020 đến nay, toàn tỉnh có hơn 99,7% trường được công nhận là “trường học – công viên”, trong đó, 92,9% trường được xếp loại trường học – công viên từ mức độ khá trở lên. Môi trường giáo dục thân thiện đã tạo hứng thú cho học sinh đến trường, nâng cao tỉ lệ chuyên cần và phổ cập giáo dục. Nhiều năm nay, tỉ lệ huy động trẻ vào lớp 1 trên địa bàn tỉnh luôn đạt 100%. Đến nay, 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.

Với việc gắn học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ năm 2020 đến nay, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 song ngành giáo dục tỉnh vẫn duy trì, đảm bảo chất lượng giáo dục tỉnh nhà. Có thể kể đến là kỳ thi THPT quốc gia 2021, tỉ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 97,8% (tăng 0,71% so với năm 2020). Cùng với đó, chất lượng giáo dục đại trà luôn được duy trì. Kết thúc học kỳ I, năm học 2021 – 2022, qua đánh giá chất lượng giáo dục tiểu học và THCS được duy trì so với năm học trước; cấp THPT tỉ lệ học sinh khá, giỏi đạt 58,4% (tăng 0,9% so với năm 2020 – 2021); có 594 học sinh lớp 12 đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh (tăng 13 học sinh so với năm 2020 – 2021).

Với những kết quả đã đạt được, tin rằng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả, để mỗi tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh.

HOÀNG TÙNG

TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/theo-guong-bac/496797-nganh-giao-duc-va-dao-tao-thiet-thuc-hoc-tap-va-lam-theo-bac.html