Ngành da giày đối mặt khó khăn

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong lĩnh vực xuất khẩu.

Ngành da giày cần đầu tư chiều sâu để tăng cường xuất khẩu. Nguồn: CS&SK.

Ngành da giày cần đầu tư chiều sâu để tăng cường xuất khẩu. Nguồn: CS&SK.

Chẳng hạn tại thị trường EU, một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất… đã và sẽ được thực thi thời gian tới và yêu cầu các quốc gia xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ. Nhất là trong bối cảnh, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ vào năm 2026.

Đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất da giày trong đó có Việt Nam. Bởi giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn, EU lại là thị trường xuất khẩu đạt 6 tỷ euro mỗi năm của Việt Nam. Do vậy, trong giai đoạn tới, ngành da giày Việt Nam cần thiết phải thay đổi để thích ứng với quy định này.

Chưa kể da giày dù là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng có một thực tế hiện nay là ngành quá tập trung vào gia công và phó mặc nguyên vật liệu cho chuỗi cung ứng ngoài nước, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc… Khoảng 60 -70% số lượng doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ của ngành da giày phải loay hoay tự đi tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc phải chạy theo sự chỉ định của khách hàng. Theo thống kê ngành da giày Việt Nam có 129 DN đầu tư vào sản xuất nguyên liệu và phụ liệu giày dép, nhưng chỉ có khoảng 20 DN trong nước đủ khả năng cung ứng nguyên liệu cao cấp.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, mới đây Hoa Kỳ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3 và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu thì khi Việt Nam mua sử dụng sản phẩm để sản xuất và xuất khẩu sẽ bị đánh thuế. Không chỉ Hoa Kỳ, EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Do đó, việc có một trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu là cần thiết để doanh nghiệp đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, để tránh bị phụ thuộc vào một thị trường.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các nước nhập khẩu giày dép lớn đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao (như EPR - mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, CBAM - Cơ chế định giá carbon). Chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các DN trong ngành.

Đại diện Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho rằng, DN phải nâng cấp công nghệ, quản lý. Hơn nữa, cần nắm bắt kịp thời các thông tin, sau đó có những kế hoạch cụ thể để chuẩn bị nguồn lực cho việc thực thi các yêu cầu mới này, như năng lượng xanh, chuyển đổi số để tiết giảm chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng được bộ phận tuân thủ nhằm cập nhật thông tin, đáp ứng yêu cầu của khách hàng…

Bà Trần Thị Kim Ngân - đại diện Công ty TNHH CTC vải không dệt Việt Nam chia sẻ trước các yêu cầu của thị trường EU về phát triển bền vững, ban đầu cũng khá khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu đầu vào, vì nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ chất lượng.

Để đáp ứng tiêu chuẩn EU, bản thân nhà cung ứng phải đáp ứng tiêu chí đó, nên đa số vẫn phải nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, bà Ngân cho rằng đây cũng là cơ hội để DN nâng cấp. Vì đây là xu hướng toàn cầu nên buộc DN phải thay đổi, đổi mới để tạo ra sản phẩm mới an toàn với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu hơn; đồng thời, cũng chính là động lực để DN tạo ra sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc vận hành và quan hệ chính phủ khu vực Nam Á của Adidas, cho rằng tại Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Adidas tới hơn 50% là phát thải carbon từ hệ thống lưới điện. Trong khi đó, năng lượng sạch của Việt Nam có giới hạn nhất định. Các nhà đầu tư hiện tại đang rất muốn tìm nguồn năng lượng sạch để giảm thiểu phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Nếu Nhà nước tạo điều kiện để các nhà đầu tư mua năng lượng sạch sẽ là lợi ích lớn không những bảo vệ môi trường, mà còn tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Giới chuyên gia khuyến nghị, việc cạnh tranh đã chuyển dịch từ các công ty đơn lẻ sang cả chuỗi cung ứng, đòi hỏi người mua và nhà cung cấp cùng chung tay tuân thủ theo luật pháp, quy định mà khách hàng kỳ vọng và sự cạnh tranh nằm ở giá trị chứ không phải phụ thuộc chi phí thấp nhất.

Ngành da giày Việt Nam có 129 DN đầu tư vào sản xuất nguyên liệu và phụ liệu giày dép, nhưng chỉ có khoảng 20 DN trong nước đủ khả năng cung ứng nguyên liệu cao cấp. Khoảng 60 -70% số lượng DN vừa và nhỏ của ngành da giày Việt Nam phải loay hoay tự đi tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc phải chạy theo sự chỉ định của khách hàng. Bên cạnh đó, da giày dù là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng lại quá tập trung vào gia công và phó mặc nguyên vật liệu cho chuỗi cung ứng ngoài nước, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc…

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-da-giay-doi-mat-kho-khan-10279655.html