Ngành Công Thương Nghệ An - 73 năm xây dựng và phát triển

Ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành.

NHIỀU THÀNH TỰU QUAN TRỌNG

Trải qua 73 năm xây dựng và phát triển, ngành Công Thương Nghệ An nói riêng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành Công Thương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt công nghiệp, thương mại, du lịch và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại được đầu tư và đưa vào hoạt động.

 Sản xuất tại Công ty TNHH dệt may Sangwoo Hàn Quốc, tại KCN VSIP. Ảnh: Thu Huyền

Sản xuất tại Công ty TNHH dệt may Sangwoo Hàn Quốc, tại KCN VSIP. Ảnh: Thu Huyền

Sau khi hợp nhất từ 2 ngành Công nghiệp và Thương mại thành ngành Công Thương, phát huy những thành quả của giai đoạn trước, ngành Công Thương nói riêng đã bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương được nâng cao; các chỉ tiêu kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá.

Cụ thể: Giá trị gia tăng công nghiệp năm 2021 đạt 16.522 tỷ đồng, năm 2022 đạt 17.403 tỷ đồng; năm 2023 ước đạt 19.926 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 12,73% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2025 đạt 16,5-17,5%).

 Đồ họa: Hữu Quân

Đồ họa: Hữu Quân

Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) tăng từ 69.304 tỷ đồng năm 2020 lên 82.000 tỷ đồng năm 2022, lên 89.100 tỷ đồng năm 2023. 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,58% so với 4 tháng đầu năm 2023. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; tỷ trọng cơ cấu công nghiệp - xây dựng tiếp tục tăng từ 27,34% năm 2020 lên 30,39% năm 2022; năm 2023 chiếm 33-34% (mục tiêu nghị quyết đến năm 2025 chiếm 38-39%).

Các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến gắn với khai thác tiềm năng lợi thế tiếp tục được tập trung thu hút đầu tư phát triển, nhiều dự án sản xuất công nghiệp có thương hiệu mạnh, quy mô, hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng... được triển khai và nhanh chóng phát huy hiệu quả. Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, các khu công nghiệp được đầu tư khá đồng bộ, đã thu hút được một số dự lớn: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP, Khu công nghiệp WHA, hệ thống cảng biển... Đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng 39 cụm công nghiệp; lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục được quan tâm chỉ đạo phát triển.

 Hạ tầng khu công nghiệp được quan tâm đầu tư, tạo cơ sở cho hoạt động thu hút đầu tư phát triển. Ảnh: TH

Hạ tầng khu công nghiệp được quan tâm đầu tư, tạo cơ sở cho hoạt động thu hút đầu tư phát triển. Ảnh: TH

Quản lý nhà nước về hoạt động điện lực được đẩy mạnh, công tác xây dựng Quy hoạch phát triển hệ thống điện được thực hiện qua các thời kỳ, từ đó định hướng kế hoạch để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ tốt phát triển các dự án trọng điểm trên địa bàn. Về phát triển nguồn điện, đến nay trên địa bàn tỉnh có 21 dự án thủy điện đã phát điện với tổng công suất 930,9MW, đạt sản lượng điện khoảng 3,2 tỷ kWh/năm; công tác quản lý vận hành, an toàn hồ đập được tập trung chỉ đạo thực hiện.

Hoạt động thương mại phát triển nhanh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; thị trường xuất khẩu được phát triển, đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn đã xuất khẩu hàng hóa đến 125 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 816,16 triệu USD, tăng 24,89% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu 4 tháng ước đạt 594,4 triệu USD, tăng 41,74% so với cùng kỳ năm 2023; hoạt động nhập khẩu đã góp phần bảo đảm cho nhu cầu máy móc, thiết bị, vật tư cho đầu tư, sản xuất.

4 tháng đầu năm 2024, dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 37.359 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm, tăng 26,69% so với cùng kỳ. Các phương thức kinh doanh thương mại, dịch vụ hiện đại ngày càng phát triển, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng. Thương mại điện tử của Nghệ An đứng vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành.

TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Sự phát triển của ngành Công Thương Nghệ An luôn gắn với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là ngành nắm giữ nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Trong quá trình hình thành và phát triển, dù có nhiều đổi thay về mô hình tổ chức theo thời gian lịch sử như chia tách, sáp nhập, hợp nhất…, đổi thay về phương thức quản lý, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ngành các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể, cá nhân cán bộ công chức, viên chức và người lao động, ngành Công Thương Nghệ An đã nỗ lực, góp phần tích cực cùng toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

 Sở Công Thương thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong tỉnh. Ảnh: TH

Sở Công Thương thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong tỉnh. Ảnh: TH

Với những thành tích đáng tự hào trong suốt 73 năm qua, ngành Công Thương Nghệ An đã được trao tặng nhiều hình thức khen thưởng cao quý: Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều tập thể và cá nhân trong ngành được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, nhiều cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các bộ ngành Trung ương...

Chặng đường tiếp theo, tình hình thiên tai, dịch bệnh, diễn biến khó lường, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp; tác động cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khủng hoảng kinh tế, lạm phát, giá nguyên, vật liệu biến động, hạ tầng công nghiệp, thương mại, logistics... là thách thức trong việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển công thương.

Năm 2024 là năm tăng tốc bứt phá, có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ mang lại những cơ hội, nhưng cũng không ít khó khăn thách thức đan xen. Những kỳ vọng, trọng trách đặt ra đối với ngành Công Thương trong giai đoạn tới là rất to lớn.

 Sản phẩm gỗ nén BVN Thanh Chương xuất hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Sản phẩm gỗ nén BVN Thanh Chương xuất hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Phát huy truyền thống của ngành, kế thừa kinh nghiệm, thành quả của thế hệ đi trước, Sở Công Thương đã xây dựng nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 (lĩnh vực công thương). Qua đó, hướng tới hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch điện VIII; Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (lĩnh vực công thương).

Ngành tiếp tục rà soát tình hình thực hiện toàn bộ các chương trình, đề án, kế hoạch lĩnh vực công thương. Đẩy mạnh hiệu quả hoạt động các tổ tăng trưởng (công nghiệp, thương mại), kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh, tích cực đồng hành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

 Hạ tầng logistics... là thách thức trong việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển công thương. Ảnh: Thu Huyền

Hạ tầng logistics... là thách thức trong việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển công thương. Ảnh: Thu Huyền

Để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn tới, chúng tôi tập trung thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, chính sách khuyến công, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ... Tăng cường giải pháp bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhất là xăng dầu, cung ứng hàng hóa. Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2030. Tham mưu ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Công Thương, Đề án phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024 - 2030, Đề án phát triển tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm logistics khu vực Bắc Trung bộ. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư…

Ông phạm văn hóa - giám đốc sở công thương

Thu Huyền

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nganh-cong-thuong-nghe-an-73-nam-xay-dung-va-phat-trien-post289258.html