Ngành Công thương: Dấu ấn nửa nhiệm kỳ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định: 'Đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp dịch vụ; tập trung phát triển các ngành lĩnh vực và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường, các ngành, các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Chú trọng thu hút dự án có chọn lọc, phát triển công nghiệp xanh, bền vững. Tập trung và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ngành dịch vụ...'.

Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Công thương, Sở Công thương Phú Thọ đã cụ thể hóa các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế cùng sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, sự năng động tích cực của các doanh nghiệp.

Công ty TNHH Đầu tư và phát triển trà UT- xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba tham gia hội chợ Công thương vùng Đông Bắc năm 2023.

Hiện thực hóa các mục tiêu

Qua gần ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, kinh tế toàn cầu suy giảm; giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao; tình hình dịch bệnh COVID-19, thiên tai diễn biến phức tạp gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Sở Công thương đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành, thị các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại.

Cùng với đó, Sở chú trọng việc nắm bắt diễn biến thị trường, ổn định cung cầu các mặt hàng thiết yếu, góp phần đảm bảo đời sống cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19. Do đó, các ngành, lĩnh vực đều có bước tăng trưởng khá, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết 61 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, công tác quản lý theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ được triển khai đồng bộ.

Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, từng bước khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Từ đó, tỉnh đã thu hút, mời gọi được các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực do nhiều chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ sản xuất và phát triển thị trường đã phát huy tác dụng. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021-2022 đạt 11,25%/năm. Cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành bình quân hai năm 2021-2022 đạt 10,3%. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp chung toàn ngành tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Những năm gần đây, hạ tầng thương mại dịch vụ có bước phát triển. Mạng lưới phân phối phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, một số trung tâm thương mại, siêu thị lớn được đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động, các hình thức thương mại văn minh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phân phối lưu thông như: Siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tự chọn, chợ đầu mối... được xây dựng và có chiều hướng phát triển tốt ở khu vực đô thị.

Bên cạnh đó, hệ thống chợ được đầu tư, mở rộng tại địa bàn nông thôn đã góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu thị trường. Hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm và luôn đổi mới, giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu dùng, kết nối, mở rộng thị trường, tăng cường khả năng xuất khẩu hàng hóa, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2021 tăng 8,2%/năm, năm 2022 tăng 14,8%; 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 41.817,9 tỉ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Phú Thọ có mức tăng trưởng ấn tượng, luôn nằm trong tốp tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu đạt cao (hơn một tỉ USD), hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Xuất khẩu đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm cao.

Năm 2021 giá trị xuất khẩu ước đạt gần 8.300 triệu USD tăng 76,8%, năm 2022 đạt trên 12.000 triệu USD tăng 42,8%. 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu tỉnh ước đạt 15.624 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 8.614 triệu USD.

Hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được đẩy mạnh. Các mặt hàng phục vụ đời sống và mặt hàng chính sách phục vụ miền núi được đáp ứng đầy đủ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế bởi phần lớn các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh có năng lực, khả năng cạnh tranh ở mức thấp. Một bộ phận doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát triển thị trường. Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn thách thức; tiến độ triển khai xây dựng một số dự án về công nghiệp, thương mại còn chậm...

Gia công cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1, KCN Thụy Vân, TP Việt Trì.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

Giai đoạn 2023-2025, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội phát triển, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngành Công thương tiếp tục nỗ lực quyết tâm cao để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra đối với những chỉ tiêu đến nay đã đạt và vượt cần tiếp tục giữ vững và phấn đấu đạt mức cao hơn.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2025, đạt trên 10,5%/năm. Cơ cấu ngành công nghiệp- xây dựng trong GRDP đến năm 2025, đạt trên 40,5%, trong đó cơ cấu ngành công nghiệp đạt trên 39%. Cơ cấu lao động ngành công nghiệp chiếm trên 29,7%/tổng số lao động toàn tỉnh, trong đó lao động qua đào tạo chiếm trên 65%.

Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp đang triển khai, đồng thời thành lập và đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch và đủ điều kiện thành lập; hoàn thành quy hoạch, thành lập mới KCN Tam Nông, KCN Hạ Hòa, KCN Phù Ninh và KCN Đại An; hoàn thành phương án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, phục vụ tích hợp quy hoạch tỉnh trên cơ sở xem xét điều chỉnh, bổ sung các cụm công nghiệp tại các địa phương có lợi thế, tiềm năng về quỹ đất, kết nối hạ tầng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng.

Tỉ lệ trung bình lấp đầy khu, cụm công nghiệp phấn đấu đạt trên 65%. Cơ bản đến năm 2025, các CCN có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt tiêu chuẩn. Công nghiệp nông thôn được cơ cấu lại, nâng cao về chất lượng, hiệu quả, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao.

Theo đồng chí Nguyễn Việt Dũng- Giám đốc Sở Công thương, để đạt được mục tiêu đã đề ra cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển công nghiệp - Thương mại. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã có của Trung ương và địa phương; rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh, đề nghị Trung ương điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách để phù hợp với tình hình thực tế tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội. Tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp, ưu tiên đầu tư hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo từng ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.

Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển cho ngành công nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường, định hướng cho doanh nghiệp trong tỉnh triển khai hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp trong vùng và đối tác quốc tế.

Trịnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/nganh-cong-thuong-dau-an-nua-nhiem-ky/201813.htm