Ngành chăn nuôi Việt Nam giàu cơ hội cho đối tác nước ngoài

Theo trang Vietnam Briefing, ngành chăn nuôi của Việt Nam đang phát triển năng động và nhanh chóng, mang đến những cơ hội đáng kể cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

Vượt lên những khó khăn trong đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine và suy thoái kinh tế, ngành chăn nuôi tại Việt Nam vẫn đang có kết quả tốt trong năm 2022. Tổng sản lượng chăn nuôi năm 2022 của Việt Nam trị giá khoảng 21 tỷ USD, tăng 5-6% so với cùng kỳ năm 2021.

Sơ lược ngành chăn nuôi Việt Nam

Ngành chăn nuôi ở Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp quốc gia, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và việc làm. Chăn nuôi chiếm khoảng một phần tư GDP của ngành nông nghiệp và ghi nhận mức tăng trưởng ổn định hàng năm từ 4 đến 6%.

Chính phủ đã đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng ngành từ 4% đến 5% mỗi năm cho đến năm 2025 và tăng trưởng từ 3% đến 4% từ năm 2026 - năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, ngành chăn nuôi Việt Nam đang bắt đầu chuyển hướng từ chăn nuôi hộ gia đình quy mô nhỏ sang chế biến công nghiệp hiện đại, quy mô lớn. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị ngày càng phổ biến trong ngành chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi ở Việt Nam hiện sản xuất và tiêu thụ nhiều loại sản phẩm, bao gồm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, thịt bò và sữa. Từ trước đến nay, thịt lợn và gia cầm là những sản phẩm phổ biến nhất ở Việt Nam do giá cả phải chăng và độ phổ biến rộng rãi. Một tiềm năng rất lớn là Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có sản lượng thịt lợn cao nhất toàn cầu, với hơn 4,19 tỷ tấn được sản xuất vào năm 2021.

Hơn nữa, ngoài thịt, thị trường Việt Nam cũng có sự gia tăng đáng kể trong việc tiêu thụ các sản phẩm khác, chẳng hạn như trứng và sữa. Điều này phần nào cho thấy thói quen ăn uống đang thay đổi khi thu nhập của người dân Việt Nam tăng, đô thị hóa và ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) cũng ngày càng phổ biến.

Ngành chăn nuôi Việt Nam có triển vọng tích cực. Ảnh: VNN.

Ngành chăn nuôi Việt Nam có triển vọng tích cực. Ảnh: VNN.

Một số khó khăn

Đầu tiên là chi phí sản xuất tăng. Theo Hiệp hội nông lương thế giới FAO, giá lúa mì và ngô đã tăng hơn 38% so với mức của năm 2021, trước khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine.

Do chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi như ngô, lúa mì và ngũ cốc, nên việc tăng giá các nguyên liệu này đã khiến chi phí sản xuất tăng cao.

Một thách thức trước hết là nguy cơ thiên tai, bao gồm lũ lụt, bão và hạn hán. Ngoài việc gây nguy hiểm cho sức khỏe của vật nuôi, những hiện tượng thời tiết cực đoan này còn có tác động bất lợi đến hoạt động hậu cần và sản xuất nguyên liệu thô. Ngành chăn nuôi Việt Nam cũng từng bị ảnh hưởng từ các bệnh truyền nhiễm. Trong những năm gần đây, ngành thịt lợn của Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại từ Dịch tả lợn châu Phi (ASF), dẫn đến đàn lợn giảm mạnh và nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong nước giảm.

Một yếu tố lớn khác là sự gia tăng cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu. Hiện thịt và các sản phẩm chăn nuôi khác nhập khẩu đang trở nên phổ biến hơn, rẻ và người tiêu dùng Việt có thể tiếp cận ở cả chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử. Nhờ hiệu lực của nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt là CPTPP và EVFTA, các sản phẩm chăn nuôi từ nhiều quốc gia, trong đó có Australia và Canada giờ đây đã thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.

Nhiều cơ hội mới nổi trong ngành chăn nuôi Việt Nam

Dù có một số khó khăn, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tiên là xu hướng phát triển công nghệ nông nghiệp. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan và Hà Lan.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã hợp tác với các tập đoàn và tổ chức nước ngoài về chuyển giao công nghệ, đầu tư, đào tạo và phát triển sản phẩm. Một số cơ hội tiềm năng nhất là nông nghiệp thông minh, ứng dụng chuỗi khối, phát triển máy móc và phần mềm, di truyền học và nhân giống.

Ví dụ, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với chính quyền tỉnh Kon Tum để tạo điều kiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.

Thị trường Việt Nam cũng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm cao cấp và hữu cơ. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện đang phát triển nhanh thứ bảy trên thế giới và đến năm 2030, dự đoán tầng lớp trung lưu sẽ tăng thêm 36 triệu người. Khi thu nhập tăng lên và sở thích về chế độ ăn uống thay đổi, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chất lượng cao hơn, tốt cho sức khỏe hơn và bền vững hơn đang tăng lên.

Cùng với xu hướng ăn uống lành mạnh hơn, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến thực phẩm có nguồn gốc đáng tin cậy và bền vững. Nhiều khách hàng cho biết họ sẵn sàng bỏ thêm chi phí để mua các sản phẩm tốt cho sức khỏe, tự nhiên và tươi ngon. Xu hướng này đã dẫn đến sự ra đời của nhiều sản phẩm độc đáo như "heo tươi ăn chuối" nhãn hiệu Bapi HAG, "thịt chay" nhãn hiệu BaF Meat, hay "thịt lợn ăn thảo mộc" nhãn hiệu SagriFood.

Một yếu tố khác nữa là ngành F&B đang bùng nổ ở Việt Nam. Theo báo cáo Thị trường dịch vụ ăn uống tại Việt Nam của Mordor Intelligence, ngành F&B đã có sự phục hồi đáng kể sau đại dịch COVID-19, đạt doanh thu 24.288 triệu USD vào năm 2022. Đây không phải là con số mang tính nhất thời và sự tăng trưởng của ngành dịch vụ ăn uống ở Việt Nam có thể sẽ được duy trì bền vững nhờ vào lối sống đang thay đổi của giới trẻ, người dân ngày càng giàu có và hiện đại.

Sự phát triển của ngành F&B ở Việt Nam sẽ kéo theo nhu cầu đối với các sản phẩm chăn nuôi tăng đáng kể. Do đó, các nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội này để gia tăng lượng tiêu thụ của khách hàng và mở rộng thị phần.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nganh-chan-nuoi-viet-nam-giau-co-hoi-cho-doi-tac-nuoc-ngoai-20230619100124135.htm