Ngăn 'tín dụng đen' trong công nhân dịp cuối năm

Cuộc sống xa quê với nhiều khoản chi tiêu khiến công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp hầu như không có tiền tích lũy để dự phòng cho bản thân. Vì vậy, khi khó khăn về tài chính, nhiều người đã phải vay tiền với lãi nặng để trang trải cuộc sống.

Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chương trình phúc lợi, bán hàng giảm giá cuối năm cho công nhân

Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chương trình phúc lợi, bán hàng giảm giá cuối năm cho công nhân

Cũng vì vay khoản tiền “nóng” với lãi suất cao, nhiều người lao động (NLĐ) lâm vào cảnh lao đao, thậm chí bị khủng bố tinh thần, đe dọa đến gia đình, người thân nếu như không có khả năng chi trả.

Lao đao vì “tín dụng đen”

Anh N.V.T., công nhân một doanh nghiệp sản xuất giày trên địa bàn H.Nhơn Trạch, từng lao đao vì vay tiền lãi nặng và bị các đối tượng cho vay khủng bố suốt nhiều tháng liền. Anh T. cho biết, giữa năm 2023, công ty ít đơn hàng nên anh chỉ làm việc có 3 ngày/tuần. Thu nhập giảm mạnh, anh buộc phải vay nóng số tiền 15 triệu đồng để chi trả các khoản sinh hoạt phí. Những tháng đầu anh trả nợ đều, song những tháng sau công ty bố trí việc làm ít nên anh trả lãi và gốc chậm hơn. Từ đó số tiền gốc và lãi mỗi tháng tăng dần, khiến anh không có khả năng chi trả.

Theo anh T., suốt 2 tháng liền, các đối tượng cho vay tiền dùng nhiều số điện thoại gọi cho anh, thậm chí đến chỗ anh làm việc để đe dọa.

Theo các cán bộ Công đoàn, dự báo năm 2024, tình hình việc làm của NLĐ vẫn còn khó khăn. Do đó, NLĐ cần tính toán hợp lý các khoản chi tiêu để không vướng phải nạn “tín dụng đen”. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an địa phương để có biện pháp bảo vệ cán bộ Công đoàn, đoàn viên, NLĐ khi bị các đối tượng cho vay lãi nặng đe dọa, bôi nhọ danh dự.

“Tôi không nghĩ mình chậm trả tiền vài tháng mà số tiền gốc và lãi đã tăng lên chóng mặt. Tôi bị khủng hoảng tinh thần, mất ngủ nhiều đêm vì các đối tượng liên tục đe dọa người thân trong gia đình. Thời điểm đó, nếu Công đoàn không hỗ trợ vay vốn trả nợ thì không biết bao giờ tôi mới thoát được cảnh nợ nần. Tôi mong NLĐ nên tỉnh táo, cân nhắc khi vay tiền lãi nặng bên ngoài” - anh T. chia sẻ.

Thời gian qua, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở phản ảnh tình trạng NLĐ vay tiền lãi nặng bên ngoài nhưng không có khả năng chi trả, các đối tượng cho vay đã gọi điện, tìm đến cán bộ Công đoàn để đòi nợ. Thậm chí, nhiều người bị các đối tượng cho vay đưa hình ảnh gia đình, người thân lên mạng và sử dụng những từ ngữ xúc phạm để bêu rếu nhằm thúc ép cán bộ Công đoàn trả nợ cho NLĐ. Hành động này khiến nhiều cán bộ Công đoàn bị ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và công việc.

Chia sẻ trong diễn đàn thuộc khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa qua, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú cho biết, đơn vị có tới 37 ngàn lao động nên kiểm soát việc NLĐ vay lãi nặng rất khó khăn. Khi NLĐ vay không có khả năng chi trả, những nhóm cho vay không chỉ gây sức ép đòi nợ lên người vay tiền, mà còn “khủng bố” cán bộ Công đoàn công ty bằng cách gọi điện hàng ngày. Trước đó, số điện thoại của ông Tú bị công nhân đưa cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để… làm tin.

Theo ông Tú, trước tình hình trên, công ty phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân từ sớm. Ngoài ra, Công đoàn công ty đã liên kết với các ngân hàng hỗ trợ cho NLĐ vay vốn lúc gặp khó khăn, tránh vấn nạn “tín dụng đen”. Nhờ được vay nguồn vốn này, nhiều lao động cải thiện đời sống, từng bước vượt qua khó khăn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền về vấn nạn “tín dụng đen” cho công nhân lao động tại doanh nghiệp và khu nhà trọ đông lao động. Bên cạnh đó, kết hợp với lực lượng công an tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng cho vay lãi nặng cũng như nguy cơ, hệ lụy của “tín dụng đen” để NLĐ nâng cao ý thức. Đồng thời, khuyến khích công nhân đấu tranh phòng, chống tội phạm và không vướng vào vấn nạn “tín dụng đen”.

“Tín dụng đen” vẫn còn xâm nhập vào các khu nhà trọ lôi kéo công nhân

“Tín dụng đen” vẫn còn xâm nhập vào các khu nhà trọ lôi kéo công nhân

Tuy nhiên, hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới mọi hình thức vẫn len lỏi, xâm nhập vào các khu nhà trọ, khu công nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống NLĐ. Lợi dụng khó khăn về tài chính của NLĐ, các đối tượng cho vay lãi nặng đã tung ra những chiêu trò quảng cáo như vay qua app, rải tờ rơi nhằm dụ dỗ, lôi kéo công nhân “sập bẫy”. Với nội dung vay không lãi suất, giải ngân nhanh, NLĐ dễ dàng mắc bẫy mà không lường trước hậu quả. Đã có nhiều NLĐ gặp hoàn cảnh éo le khi sa bẫy “tín dụng đen” từ những khoản vay tiêu dùng rất nhỏ.

Đối với NLĐ, nhất là thời điểm cuối năm đang bị giảm việc làm, thậm chí thất nghiệp, nếu không có tiền tích lũy, họ rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều lao động cho biết, họ đều mong chờ các gói vay tài chính ưu đãi từ Nhà nước để hỗ trợ NLĐ vay vốn.

Công nhân Lê Thị Thảo, làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 bộc bạch: “Chúng tôi mong tổ chức Công đoàn, địa phương có nhiều giải pháp hỗ trợ để NLĐ ổn định cuộc sống, không lâm vào cảnh nợ nần từ các đối tượng cho vay bên ngoài”.

Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thời gian qua, “tín dụng đen” diễn biến phức tạp khiến nhiều công nhân lao động chưa lường hết tác hại, vẫn tìm đến các hình thức cho vay này. Đây là vấn nạn đáng lo ngại đối với NLĐ, nhất là thời điểm khó khăn như hiện nay. Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền để NLĐ hiểu được tác hại của “tín dụng đen” và ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, Công đoàn cơ sở các đơn vị tăng cường phối hợp với tổ chức tài chính hỗ trợ NLĐ vay vốn, cải thiện khó khăn trước mắt.

Để ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, từ nay đến cuối năm, Công đoàn các cấp triển khai hiệu quả các chương trình phúc lợi đoàn viên; quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, nhất là vấn đề lương, thưởng. Đối với cán bộ Công đoàn cơ sở thường xuyên nắm bắt tư tưởng, những khó khăn của NLĐ để có giải pháp hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giúp NLĐ nhận diện “tín dụng đen”, từ đó biết được hậu quả và phòng ngừa kịp thời.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202312/ngan-tin-dung-den-trong-cong-nhan-dip-cuoi-nam-0105959/