Ngăn sâu, bệnh hại cây hồi lan rộng

Từ tháng 3/2023 đến nay, do thời tiết nắng, mưa thất thường đã tạo điều kiện cho bệnh thán thư, sâu non của bọ ánh kim trên cây hồi phát triển gây hại tại một số huyện trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế, không bùng phát thành dịch, cơ quan chuyên môn, người dân tích cực, tập trung các biện pháp phòng trừ.

Văn Quan là huyện có diện tích trồng hồi lớn của tỉnh với hơn 14.000 ha. Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện, từ cuối tháng 3/2023, trên cây hồi xuất hiện sâu non của bọ ánh kim gây hại với diện tích nhiễm khoảng 125 ha, trong đó 25 ha nhiễm nặng, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Đoàn, Tràng Phái, Khánh Khê, An Sơn… Trước tình hình đó, TTDVNN huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ và chủ động thăm rừng thường xuyên.

Cán bộ TTDVNN huyện Văn Lãng phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh trên cây hồi tại xã Thanh Long huyện Văn Lãng

Bà Dương Ái Nhân, Phó Giám đốc TTDVNN huyện Văn Quan cho biết: Qua theo dõi định kỳ, thời gian vừa qua trên địa bàn các xã Tân Đoàn, Tràng Phái, Khánh Khê, An Sơn… có xuất hiện sâu non của bọ ánh kim gây hại, mật độ 5 – 10 con/cây; bệnh đốm lá (thán thư) gây hại tỉ lệ 4% – 6%/lá. Vì vậy, chúng tôi đã cử cán bộ theo dõi chặt chẽ, chủ động ban hành các văn bản phối hợp với UBND các xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người dân chủ động vệ sinh rừng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, bắt bọ ánh kim và trứng để hạn chế trứng nở thành sâu non gây hại. Nhờ dự báo tốt tình hình, mức độ sâu, bệnh gây hại, đến nay, các diện tích nhiễm dần được phòng trừ và không để bùng phát trên diện rộng.

Ông Nông Văn Bộ, thôn Pò Xè, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan cho biết: Từ giữa tháng 3/2023, tôi phát hiện trên một số cây hồi của gia đình xuất hiện sâu của bọ ánh kim, tôi đã báo cáo chính quyền xã và được hướng dẫn cách phòng trừ. Cụ thể, do phát hiện sâu sớm nên tôi đã huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình thực hiện bằng cách thủ công là thấy trên lá cây có ổ trứng hoặc sâu non, liền ngắt và tiêu hủy ngay. Đồng thời, tôi cũng tìm hiểu phun thêm thuốc bảo vệ thực vật nhằm phòng trừ sâu bệnh lan rộng.

Tương tự Văn Quan, trên địa bàn huyện Văn Lãng cũng xuất hiện rải rác sâu non của bọ ánh kim, bệnh thán thư gây hại trên cây hồi với mật độ trung bình 3 – 5 con/cây, cao 10 – 15 con/cây diện tích nhiễm khoảng 12 ha và khoảng 9 ha bệnh thán thư tại xã Thanh Long, Hội Hoan… Ông Nông Hồng Bộ, Giám đốc TTDVNN huyện cho biết: Ngay sau khi phát hiện sâu non của bọ ánh kim, bệnh thán thư hại hồi, chúng tôi đã ban hành công văn gửi UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ nông, lâm, khuyến nông viên cơ sở phối hợp với trưởng thôn và các chủ rừng theo dõi đồi rừng thường xuyên, dự báo đúng thời điểm phát sinh để đưa ra các biện pháp phòng trừ hợp lý, cử cán bộ của trung tâm đến trực tiếp xã có dịch bệnh, kịp thời và hướng dẫn người dân sử dụng, phun thuốc phòng trừ.

Không riêng tại hai huyện trên, một số huyện khác như: Lộc Bình, Cao Lộc cũng xuất hiện bọ ánh kim trên hồi. Kết quả điều tra dịch hại cây trồng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy, tình trạng sâu của bọ ánh kim và bệnh thán thư hại hồi bắt đầu xuất hiện từ tháng 3/2023 đến nay với tổng diện tích nhiễm 188 ha, trong đó, diện tích nhiễm nặng 25 ha, diện tích phòng trừ 83 ha.

Trước thực tế đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo TTDVNN các huyện, thành phố cử cán bộ tăng cường nắm bắt thông tin sâu bệnh hại, từ đó, báo cáo kết quả, xây dựng kế hoạch theo từng tuần để có biện pháp phòng trừ, đặc biệt là khoanh vùng những nơi bị nhiễm nặng. Chi cục cũng ban hành quy trình phòng trừ sâu, bọ ánh kim, bệnh thán thư, trong đó, nêu các giải pháp cụ thể phòng trừ bằng biện pháp sinh học, hóa học gửi TTDVNN các huyện, thành phố nhằm kịp thời hướng dẫn người dân áp dụng phòng trừ có hiệu quả. Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, công tác dự tính, dự báo, điều tra phát hiện dịch bệnh hại trên cây trồng được chi cục thực hiện thường xuyên để xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp phòng trừ kịp thời.

Ông Hoàng Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên các loại cây trồng, bên cạnh sự chủ động của cơ quan chuyên môn, người dân cũng cần tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ như: đi thăm rừng thường xuyên, sử dụng biện pháp thủ công và sinh học theo từng giai đoạn, vòng đời phát triển của sâu bệnh… như vậy mới có thể tiến tới xử lý dứt điểm được sâu, bệnh gây hại. Để sâu bệnh gây hại không lan ra diện rộng, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác dự tính, dự báo và cảnh báo sớm, chính xác để phòng trừ kịp thời. Cùng đó, qua nắm bắt diễn biến thời tiết, thời gian, vòng đời của các loại sâu bệnh, chúng tôi chủ động ban hành các văn bản hằng tuần, hằng tháng, phối hợp với các đơn vị chức năng, UBND các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền bà con nông dân tăng cường kiểm tra, thăm rừng để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại và phòng trừ, không để gia tăng trên diện rộng.

Tin tưởng rằng, với những giải pháp, sự chủ động tích cực của ngành chức năng và bà con nông dân, thời gian tới, các diện tích hồi nhiễm sâu, bệnh sẽ được phòng trừ triệt để, không để lan ra diện rộng, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng.

HOÀNG CƯỜNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/582237-ngan-sau-benh-hai-cay-hoi-lan-rong.html