Ngăn ngừa sử dụng lao động trẻ em

Lao động sớm tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần của trẻ em, ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai. Hải Dương đang thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa các hành vi lạm dụng lao động trẻ em.

Công ty TNHH Nhôm Đông Á giám sát chặt quy trình tuyển dụng nhân sự và chỉ tuyển lao động có độ tuổi từ 20-45

Nói không với lao động trẻ em

Do hiểu biết về quy định sử dụng lao động trẻ em (LĐTE) còn hạn chế (trẻ em dưới 13 tuổi) nên chủ một số cơ sở sản xuất tại làng nghề trong tỉnh đã huy động hoặc thuê trẻ em làm một số công việc không phù hợp.

Ông N.T.T. ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) thừa nhận đã có thời điểm vì đơn hàng quá gấp gáp mà khi có trẻ em đến xin việc ông nhận ngay. “Ban đầu chưa hiểu rõ luật nên có vài cháu ở một số tỉnh vùng cao bỏ học sớm xuống xin việc tôi cho làm phun sơn và quét keo đế giày. Nhưng khi cán bộ xã nhắc nhở và nêu rõ quy định tôi đã chuyển các cháu làm công việc nhẹ, không độc hại như phân loại sản phẩm hoặc kiểm tra lỗi sản phẩm trước khi đóng gói”, ông N.T.T. chia sẻ.

Làng nghề mộc truyền thống ở thôn Đông Giao Bến, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) có 137 hộ làm nghề. Những năm trước, nghỉ hè một số trẻ ở nhà hỗ trợ cha mẹ làm một số công việc liên quan đến nghề mộc, có lúc phải mang vác gỗ nặng. Tuy nhiên những năm gần đây, ở Đông Giao Bến đã không còn hiện tượng này.

Theo ông Phạm Văn Chương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Giao Bến, trước đây do ít được tuyên truyền, phổ biến nên người dân không biết việc sử dụng LĐTE, nhất là trẻ dưới 13 tuổi sơn gỗ là vi phạm pháp luật. Những năm gần đây, nhờ được cán bộ văn hóa xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nên người dân nghiêm túc thực hiện quy định này. Chủ các hộ sản xuất trong làng không thuê, mượn lao động dưới 13 tuổi. Con em ở làng nghề ngày nay cũng được chăm lo việc học tốt hơn nên đa phần không bỏ học giữa chừng để ở nhà phụ nghề cùng cha mẹ. "Dịp hè, nhiều gia đình trong thôn cho các em tham gia trại hè, học kỳ quân đội, học các khóa ngoại ngữ. Các công việc nặng nhọc ở làng nghề ngày nay đều có máy móc thay thế", ông Chương cho biết.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì việc không sử dụng LĐTE còn là cam kết "cứng" với đối tác trước khi ký hợp đồng cung ứng sản phẩm. Công ty TNHH Nhôm Đông Á ở cụm công nghiệp Tân Dân (Chí Linh) mở rộng quy mô sản xuất nên đang cần tuyển thêm 300 công nhân. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Hoa, cán bộ quản lý nhân sự của công ty thì từ trước đến nay doanh nghiệp chỉ tuyển lao động từ 20-45 tuổi. "Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc sử dụng LĐTE là tối kỵ và phải cam kết với đối tác rõ ràng trước khi thực hiện hợp đồng. Chúng tôi luôn giám sát chặt quy trình tuyển dụng không để người chưa đủ tuổi lao động mượn giấy tờ của người khác để được vào làm", bà Hoa nói.

Nhờ được tuyên truyền thường xuyên nên các chủ doanh nghiệp ở làng nghề mộc Đông Giao Bến, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) không sử dụng lao động trẻ em trái quy định

Chung tay hành động

Trẻ em lao động sớm sẽ hạn chế cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, trẻ em xa gia đình còn bị kẻ xấu lôi kéo làm việc phi pháp hoặc bị lạm dụng, xâm hại. Gần đây, người dân từ các tỉnh vùng cao xuống tìm việc làm tại Hải Dương khá nhiều, trong đó có nhiều em nhỏ nên các địa phương cũng tăng cường giám sát việc sử dụng LĐTE của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp các địa phương tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát về sử dụng LĐTE. Ngay trong chương trình “xã, phường phù hợp với trẻ em”, nhiều địa phương đã xây dựng mô hình hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu LĐTE, nhất là ở những làng nghề truyền thống. Hội Phụ nữ các cấp tổ chức một số hoạt động chuyên đề, đối thoại, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bà, các mẹ về tác hại của việc cho trẻ lao động nặng nhọc sớm.

Bà Phạm Thị Kim ở xã Long Xuyên (Bình Giang) cho biết do chưa hiểu quy định về sử dụng LĐTE nên dịp hè có cho con nhỏ đi phụ vữa cùng mẹ. Biết được việc này, Hội Phụ nữ xã đã kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở. "Để ngăn ngừa những vi phạm về sử dụng LĐTE thì trước hết cha mẹ phải là người hiểu rõ và thực hiện đúng", bà Kim nói.

Đất nước đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, phải thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... Việc tăng cường và nâng cao nhận thức về các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lao động nói chung và phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE nói riêng rất quan trọng. Tháng 10.2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hải Dương đặt mục tiêu giảm tỷ lệ LĐTE và lao động vị thành niên xuống còn 1% vào năm 2025 và dưới 1% vào năm 2030. Không để trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đại diện Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết đây là cơ sở để Hải Dương thực hiện tốt các quy định liên quan đến phòng ngừa sử dụng LĐTE. Để thực hiện tốt hơn quy định này thì ngoài khung chính sách phù hợp, các ngành, địa phương, nhất là các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, đừng vì những lợi ích trước mắt mà để trẻ phải lao động sớm.

LONG ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/ngan-ngua-su-dung-lao-dong-tre-em-216599