Ngăn ngừa học sinh vi phạm pháp luật

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc học sinh vi phạm pháp luật. Ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đề ra nhiều giải pháp chấn chỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Những vụ việc đáng tiếc

Từ tháng 6/2023 đến nay, toàn tỉnh có 2 học sinh vi phạm pháp luật liên quan đến tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy, 18 học sinh liên quan đến gây rối trật tự công cộng. Cụ thể, ngày 6/9, tại đường Nguyễn Công Hãng (TP Bắc Giang), lực lượng công an bắt quả tang 3 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy (cỏ Mỹ), trong đó có 1 học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Nguyên Hãn và 1 học sinh Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang. Trước đó, Công an huyện Yên Thế cũng khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng” đối với 18 bị can là học sinh Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang và Trường THPT Bố Hạ.

Cán bộ cảnh sát giao thông hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Bắc Giang).

Cán bộ cảnh sát giao thông hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Bắc Giang).

Qua thống kê của cơ quan chức năng, số học sinh vi phạm pháp luật nhiều nhất là lĩnh vực an toàn giao thông. Chỉ trong 2 tháng đầu năm học 2023-2024, toàn tỉnh có hơn 100 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ (năm học trước có 843 học sinh vi phạm), trong đó lỗi chủ yếu là: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định; dàn hàng ba, hàng tư; vượt đèn đỏ; chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe mô tô, xe máy điện. Em B.A.D, học sinh Trường THPT Nguyên Hồng (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Trước đây, cháu không biết khi đi xe đạp dùng ô che là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Khi các chú cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, nhắc nhở cháu mới hiểu, từ đó không vi phạm”.

Theo số liệu rà soát của Công an tỉnh cung cấp cho Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ tháng 6/2023 đến nay, toàn tỉnh có 2 học sinh vi phạm pháp luật liên quan đến tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy, 18 học sinh liên quan đến gây rối trật tự công cộng. Trong số này có 19 em bị khởi tố.

Nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật trên là do hiểu biết pháp luật của một bộ phận học sinh còn hạn chế; tác động mặt trái của internet; ảnh hưởng từ lối sống không lành mạnh trong xã hội.

Nhiều cơ sở giáo dục mới chỉ quan tâm tới dạy chữ, dạy nghề, chưa quan tâm đúng mức tới công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho các em.

Một số học sinh đua đòi, ham chơi, giao du với những đối tượng xấu nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, gia đình, nhà trường chưa thực sự quan tâm sát sao đến những biến đổi tâm, sinh lý, hành vi của con em.

Theo các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi này, các em dễ nổi nóng, có hành vi bột phát, thích thể hiện bản thân. Thậm chí có những vụ việc chỉ do mâu thuẫn nhỏ, trêu đùa quá dẫn tới đánh nhau. Đơn cử như ngày 20/10, do không đồng ý cho bạn mượn bóng, hai học sinh ở huyện Việt Yên mâu thuẫn, lôi kéo cả người nhà đánh nhau trên đường đi học về. Điều đáng trách là khi xảy ra mâu thuẫn, thay vì can ngăn, gọi điện cho thầy, cô giáo, bố mẹ, người lớn xung quanh, công an để kịp thời hỗ trợ, ngăn chặn, giải quyết, nhiều em còn chia bè, kéo cánh, thản nhiên quay video clip cổ vũ khiến hậu quả càng nghiêm trọng hơn.

Giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống

Để kịp thời ngăn ngừa học sinh vi phạm pháp luật, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định 79/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội và Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 8/4/2022 về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2022-2030.

Trong chương trình giảng dạy, các trường chủ động lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật vào các giờ ngoại khóa. Tháng 10 vừa qua, Trường Tiểu học Đông Thành phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) tổ chức tuyên truyền kỹ năng an toàn trên không gian mạng cho hơn 1,1 nghìn cán bộ, giáo viên, học sinh của trường. Thầy giáo Lê Minh Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường tuyên truyền để học sinh nâng cao hiểu biết trong việc sử dụng mạng xã hội phục vụ học tập, không chia sẻ thông tin chưa xác thực, tìm kiếm những nội dung lành mạnh, phù hợp lứa tuổi, bảo đảm an toàn”.

Sở GD&ĐT yêu cầu 100% các đơn vị, cơ sở giáo dục thành lập ban chỉ đạo phòng ngừa tội phạm, bạo lực học đường và phòng, chống vi phạm pháp luật đối với học sinh. Ban chỉ đạo xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động chi tiết. Sở kiến nghị với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, giải tỏa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội, dịch vụ trò chơi điện tử, cầm đồ xung quanh trường học.

Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm sát sao nắm bắt các em có hoàn cảnh đặc biệt như: Bố mẹ đi làm ăn xa, ly hôn, mồ côi để kịp thời quan tâm, động viên, giáo dục các em. Tháng 11/2023, Sở GD&ĐT cử gần 100 giáo viên đi tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý cho học sinh. Cùng Công an tỉnh ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong ngành Giáo dục...

Ngoài những giải pháp trên, phụ huynh cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với giáo viên để quản lý thời gian học, sinh hoạt, nhất là việc sử dụng điện thoại, tham gia các trang mạng xã hội của con em mình. Đồng thời luôn gần gũi, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những biểu hiện bất thường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/414521/ngan-ngua-hoc-sinh-vi-pham-phap-luat.html