Ngăn ngừa hiệu quả, xử lý kịp thời

Hôm nay, 14.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau 15 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành, đòi hỏi phải sửa đổi các quy định để ngăn ngừa, bảo vệ toàn diện, kịp thời và hiệu quả các nạn nhân trước nạn bạo lực gia đình.

Cử tri Phạm Văn Chung (Trần Hưng Đạo, Thống Nhất, Kon Tum):
Tăng cường sự phối hợp trong phát hiện và giải quyết

Để tăng cường sự phối hợp trong phát hiện và giải quyết các vấn đề về bạo lực cho người bị bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ, hỗ trợ họ kịp thời, đầy đủ theo nhiều phương diện như tâm lý, y tế, nơi ở, tư vấn pháp lý và trong quá trình xét xử vụ việc bạo lực gia đình…

Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là làm sao để người bị bạo lực gia đình tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ một cách thuận lợi. Do đó, cần quy định vấn đề phối hợp giữa các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (trong đó có các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý) về phát hiện, giới thiệu, thông tin nạn nhân để họ được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về đường dây quốc gia tiếp nhận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình; đây cũng là một trong những phương thức truyền thông và thông tin về bạo lực gia đình. Trong đó, đường dây quốc gia tiếp nhận thông tin có sự liên thông, kết nối với danh sách cơ quan, tổ chức hỗ trợ các dịch vụ cho người bị bạo lực gia đình.

Cử tri Nguyễn Thị Hồng (Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên):
Không nên quy định hòa giải bạo lực gia đình

Tôi mong muốn có thêm các quy định để bảo vệ người bị bạo lực; bảo đảm người gây ra bạo lực gia đình là người duy nhất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bạo lực gia đình; hạn chế việc sử dụng các biện pháp phạt bằng tiền thay cho kết án. Bởi vì không thể gây ra hành vi bạo lực rồi dùng tiền để nộp phạt, thay vì việc phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những hành vi bạo lực mà mình đã gây ra cho người khác được.

Đặc biệt, theo tôi, không sử dụng hòa giải gia đình như một giải pháp chủ chốt trong việc giải quyết bạo lực gia đình; đồng thời quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình và những biện pháp xử lý nếu như không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Muốn làm được điều này, Dự thảo Luật cần phải có quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn nữa về các hành vi cụ thể của từng loại bạo lực gia đình chứ không nói chung chung như hiện nay.

Cử tri Hoàng Thị Quỳnh (Trảng Dài, Biên Hòa, Đồng Nai):
Nâng cao vai trò của công an cấp xã

Để tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình cũng như bảo vệ người bị bạo lực gia đình thì việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của công an cấp xã là rất cần thiết. Song, thực tế hiện nay thẩm quyền của công an xã vẫn tương đối mờ nhạt chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình. Các vụ việc bạo lực gia đình trước hết sẽ được công an xã thụ lý và giải quyết ban đầu và thường chỉ mới dừng lại ở hình thức cảnh cáo, xử lý vi phạm hành chính nên khả năng tái diễn bạo lực tương đối cao.

Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở của Công an cấp xã. Đồng thời, cần nghiên cứu, quy định chi tiết về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình để bảo vệ những người tham gia phòng chống bạo lực cũng như kịp thời ngăn chặn bạo lực. Qua đó, giúp tăng cường sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội, các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Cử tri Đinh Xuân Hải (Nguyễn Thiện Thuật, Mỹ Hào, Hưng Yên):
Kịp thời bảo vệ người bị bạo lực

Tôi thấy hiện nay khái niệm về Bạo lực gia đình đang được quy định rất chung chung, chưa cụ thể, chi tiết; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, khi nạn nhân bị bạo lực muốn có sự giúp đỡ từ phía chính quyền cơ sở nhưng cũng chậm chạp, lắm thủ tục, như nạn nhân phải có đơn trình báo...

Do vậy, tôi cho rằng muốn ngăn chặn bạo lực cần phải có biện pháp mạnh, có hiệu lực tức khắc và cơ quan thực hiện đầu tiên phải là công an xã, phường. Khi nhận được tin báo, công an xã (phường) phải đến ngay hiện trường can ngăn, mời làm tường trình, kiểm điểm và cam kết không tái phạm. Nếu không chấp hành hoặc chống đối sẽ áp giải đưa về trụ sở, khởi tố ngay nếu đủ yếu tố. Với những vụ việc nghiêm trọng thì lập hồ sơ chuyển công an quận/huyện xem xét xử lý hình sự về tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích... Các biện pháp hỗ trợ phải được cơ quan hành động tức thời, không cần người bị bạo hành có đơn yêu cầu mới làm.

Cử tri Bùi Viết Hoàn (Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội):
Hình thức phạt tiền có tác dụng ngược

Hiện, hình thức phạt tiền đối với người có hành vi bạo lực gia đình chưa được quy định cụ thể. Việc phạt tiền không phù hợp, có tác dụng ngược bởi tiền là do vợ chồng làm ra, chồng đánh vợ nhưng lại lấy tiền chung để đóng phạt. Điều này khiến nạn nhân không muốn tố cáo hành vi trong lần tiếp theo và cũng không giúp cho việc răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực.

Tiền nộp phạt phải là tiền riêng của người gây ra bạo lực; đồng thời phải có biện pháp mạnh tay hơn, có thêm các hình phạt bổ sung như lao động công ích (dọn rác ở khu phố)… chứ không thể phạt tiền xong rồi thôi.

Cử tri Hồ Mỹ Ngọc Chân (Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, Bình Định):
Phân định rõ mức độ hòa giải bạo lực gia đình

Theo Luật Hòa giải ở cơ sở, hòa giải là một biện pháp được áp dụng để xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp bao gồm cả mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Việc xử lý mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình từ sớm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mâu thuẫn, tranh chấp tiến triển dẫn đến hành vi bạo lực gia đình. Như vậy, về mặt tiến trình cũng như mục đích có thể thấy hòa giải mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình là hoạt động diễn ra trước, là tiền đề, cơ sở để hạn chế, phòng ngừa bạo lực gia đình xảy ra. Đồng thời, khi bạo lực gia đình xảy ra, các mâu thuẫn, tranh chấp chưa được hóa giải, giải quyết triệt để thì khi đó việc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp vẫn cần thiết phải được thực hiện để phòng ngừa bạo lực gia đình tái diễn.

Chính vì thế, đối với đối tượng đặc thù là gia đình thì biện pháp hòa giải cần phải được thực hiện trong suốt cả quá trình, khi vụ việc bạo lực gia đình đang diễn ra để ngăn chặn bạo lực gia đình tiếp diễn và ngay cả khi người có hành vi bạo lực gia đình đã bị xử lý hành chính hoặc hình sự nhằm hạn chế tối đa những mâu thuẫn giữa các thành viên gia đình để ngăn ngừa hành vi bạo lực gia đình hoặc mâu thuẫn giữa những thành viên khác với nhau. Do đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) rất cần thiết phải quy định phân chia rõ các mức độ khác nhau của hoạt động hòa giải bạo lực gia đình từ ngăn ngừa, ngăn chặn bạo lực gia đình và cả sau khi hành vi bạo lực gia đình đã xử lý.

Nhóm PV thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/ngan-ngua-hieu-qua-xu-ly-kip-thoi-i291896/