Ngân hàng thương mại sắp hết cửa bán bảo hiểm liên kết đầu tư?

Khi giấy phép Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm thì ngân hàng được thực hiện nghiệp vụ đại lý bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm theo quy định, trừ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Dự thảo cho rằng, cần thiết quy định theo hướng không cho phép ngân hàng thương mại bán bảo hiểm liên kết đầu tư

Đó là nội dung trong dự thảo Thông tư quy định việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và một số quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến.

Dự thảo cho rằng, cần thiết quy định theo hướng không cho phép ngân hàng thương mại bán bảo hiểm liên kết đầu tư, do dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư. Lý giải cho đề xuất này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, cần thiết quy định theo hướng không cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động này do sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư mà ngân hàng thương mại cung cấp cho khách hàng.

Cụ thể, Dự thảo bổ sung nội dung về phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho phù hợp với khoản 2 Điều 113 Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024. Dự thảo Thông tư nêu: “Khi Giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, trừ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan”.

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo chương trình Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, hiện nay, nước ta có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, nhưng có tới 17 công ty là của liên doanh và của nước ngoài nên hoạt động tư vấn và bán bảo hiểm chủ yếu do nhân viên và đại lý trong nước thực hiện. Vì thế, trong quá trình thực hiện, vai trò thanh tra, kiểm tra còn thiếu về định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Do đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng phải xây dựng quy trình phối hợp thanh tra, kiểm tra để đảm bảo công bằng, đúng quy định trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ theo kế hoạch và xử lý nghiêm. Các kết quả xử lý luôn công khai trên báo chí và tăng cường giải quyết khiếu nại của người tham gia bảo hiểm khi các doanh nghiệp không làm tròn trách nhiệm.

Về kế hoạch thanh tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã thanh tra được 10 công ty bảo hiểm và kế hoạch trong năm tới sẽ tiếp tục thanh tra 7 công ty bảo hiểm. Ngoài thanh tra theo kế hoạch, Bộ sẽ thanh tra đột xuất dựa trên đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tham gia bảo hiểm… để chấn chỉnh, giải quyết quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm; kịp thời xử lý sai phạm để đảm bảo các công ty bảo hiểm tuân thủ pháp luật, thể hiện sự công bằng, minh bạch trên thị trường bảo hiểm.

Về tình trạng khách hàng hủy hợp đồng sau năm đầu tiên, Bộ trưởng cho biết là do trước đây có tình trạng ngân hàng thương mại, nhân viên tư vấn cho người dân vay tiền phải mua bảo hiểm nên sau khi doanh nghiệp vay được tiền, đóng bảo hiểm lần đầu đã tiến hành hủy ngang

Hà Lâm

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/bao-hiem/ngan-hang-thuong-mai-sap-het-cua-ban-bao-hiem-lien-ket-dau-tu-121599.html