Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề 'Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo'.

WB dự báo: GDP Việt Nam năm 2024 có thể tăng khoảng 5,5%

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, sau khi trải qua giai đoạn “mất đà” trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần.

Toàn cảnh buổi công bố. (Ảnh: VV)

Kết quả trong quý I/2024 cho thấy, GDP ghi nhận mức tăng 5,66% nhờ vào xuất khẩu, FDI và tiêu dùng nội địa.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa phục hồi mạnh mẽ, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước, nhờ xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu tăng mạnh. Tương tự, tiêu dùng nội địa tăng 4,9% và đầu tư thực tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra một số khó khăn của kinh tế Việt Nam, đơn cử như tăng trưởng việc làm có xu hướng giảm, thu nhập thực bình quân tháng cũng đang chững lại.

“Tăng trưởng thu nhập thực bình quân tính theo tháng giảm còn khoảng 1,3% trong các năm 2022-2023 so với mức tăng tăng bình 8,3% trong giai đoạn 2017-2019. Khảo sát người tiêu dùng cho thấy chi tiêu của người dân cho các mặt hàng sử dụng lâu bền, như thiết bị gia đình, hàng điện tử cá nhân, và xe hơi, giảm so với năm trước”, báo cáo của WB nêu.

Trước thực tế này, WB dự báo năm 2024, GDP Việt Nam có để ghi nhận mức tăng 5,5% và tăng lên 6% vào năm 2025. Trong đó, xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% vào năm 2024, phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện.

Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin. Tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân theo giá so sánh dự kiến sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5% và 5% trong năm 2024.

Xử lý sớm các ngân hàng yếu kém

Để đẩy mạnh quá trình tăng trưởng kinh tế, WB cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách tài khóa mở rộng. Cụ thể, tiếp tục duy trì nỗ lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt về hạ tầng đang phát sinh.

Về chính sách tiền tệ, dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất đã trở nên hạn chế hơn, do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế và do áp lực có thể gây ra đối với tỷ giá.

WB cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền có thể ban hành chính sách nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn của các ngân hàng, đồng thời tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm nhằm phát hiện và xử lý vấn đề phát sinh trong quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng và các tập đoàn doanh nghiệp), can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng.

WB đề nghị can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém. (Ảnh: ST)

WB cũng cho rằng, dù Luật về các tổ chức tín dụng đã được cải thiện qua sửa đổi gần đây, nhưng vẫn còn bất cập ở một số nội dung, bao gồm về giám sát hợp nhất các tập đoàn có ngân hàng và các tổ chức tín dụng, thẩm quyền xử lý các ngân hàng yếu kém, và phòng vệ rủi ro pháp lý cho cán bộ giám sát.

“Ưu tiên đặt ra là cần tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong các lĩnh vực trên trong những cải cách pháp lý sắp tới về khu vực tài chính, bao gồm qua sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam”, WB nêu.

Ngoài cung cấp các gói hỗ trợ kinh tế trong ngắn hạn, tăng cường quản lý đầu tư công cũng có vai trò quan trọng nhằm xử lý những thiếu hụt về hạ tầng phát sinh, chẳng hạn trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và logistics, hiện đang trở thành rào cản ngày càng lớn đối với tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cải cách cơ cấu cần được triển khai nhằm tăng cường môi trường quản lý nhà nước trong các dịch vụ trọng yếu (công nghệ thông tin và truyền thông, điện lực, vận tải) để xanh hóa nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, và cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới về Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư cho biết: Đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức.

“Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt khẳng định.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngan-hang-the-gioi-kien-nghi-viet-nam-som-xu-ly-cac-ngan-hang-yeu-kem-post292869.html