Ngân hàng Nhà nước bơm lượng tiền lớn, loạt lãi suất quan trọng tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước vừa bơm lượng tiền lớn qua kênh OMO đồng thời nâng lãi suất kênh OMO lên mức cao nhất trong vòng gần 1 năm.

Cụ thể, ngày hôm nay (23/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho 9 thành viên vay tổng cộng gần 36.000 tỷ đồng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (kênh OMO) với kỳ hạn 14 ngày.

Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu đã tăng lên 4,25%/năm thay vì 4%/năm như những lần cho vay gần đây. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trên kênh OMO kể từ giữa năm 2023.

Ngoài ra, giá trị cho vay đạt gần 36.000 tỷ đồng/phiên cũng là mức cao nhất kể từ tháng 1/2017.

Trong phiên 23/4, nhà điều hành cũng phát hành thêm 2.150 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 3,73%/năm, mức cao nhất kể từ khi mở lại kênh này. Có ba thành viên tham gia đấu thầu và hai thành viên trúng thầu.

Đồng thời, cũng trong phiên 23/4, lô tín phiếu phát hành ngày 26/3 đã đáo hạn, trả lại thị trường 3.700 tỷ đồng thanh khoản.

Cùng với đó, khoản vay qua kênh OMO kỳ hạn 7 ngày với tổng trị giá gần 12.000 tỷ đồng ghi nhận hôm 16/4 đã đáo hạn, từ đó hút về số tiền tương ứng.

Như vậy, có thể xác định, trong ngày 23/4, NHNN đã bơm ròng tổng cộng 25.550 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 2/2023.

Sau diễn biến trong phiên hôm nay, trạng thái hút ròng mà NHNN đang duy trì giảm xuống còn 7.800 tỷ đồng. Trong những ngày còn lại của tuần này (từ 24-26/4), sẽ có thêm hai khoản vay trên kênh OMO với tổng giá trị là 17.672 tỷ đồng đáo hạn và thêm 15.600 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm phiên 22/4 là 3,87%/năm, vẫn ở mức tương đối cao nếu so với hơn nửa năm qua, giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND. Phiên 17/4, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từng vọt lên gần 5%/năm.

Trước đà tăng nóng của tỷ giá, NHNN đang thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định thị trường. Song song với phát hành tín phiếu, NHNN sử dụng thêm kênh OMO để điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng.

Trong cơ cấu các loại lãi suất điều hành thì lãi suất OMO là loại lãi suất có tác động mạnh tới thị trường bởi gắn trực tiếp và thường trực với chi phí hỗ trợ nguồn cho hệ thống, đặc biệt có tính bình ổn trong những trường hợp thanh khoản hệ thống cần hỗ trợ.

Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường 1, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.

Từ ngày 11/3, NHNN bắt đầu hút tiền qua kênh tín phiếu nhằm trung hòa lượng tiền dư thừa trên thị trường, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và hỗ trợ cho tỷ giá. Đồng thời, NHNN cũng mở lại kênh OMO cho các thành viên cần sự hỗ trợ về thanh khoản.

Sau những biến động gần đây của tỷ giá, vào cuối tuần trước, NHNN đã có động thái công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 23/4, tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh và niêm yết ở mức kịch trần 25.488 đồng.

Mai Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ngan-hang-nha-nuoc-bom-luong-tien-lon-loat-lai-suat-quan-trong-tang-manh-20180504224297924.htm