Ngân hàng có hơn 6 triệu tỷ đồng nhưng vẫn khó cho vay

Ngân hàng hiện có hơn 6 triệu tỷ đồng nhưng doanh nghiệp cho rằng, vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Với việc huy động vốn nhưng không cho vay được, các ngân hàng thương mại cũng đang chịu áp lực 'tồn kho', cần bơm vốn ra nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ, hiện tại ngân hàng có hơn 6 triệu tỷ đồng nhưng khó cho vay. Điều này cho thấy, tiền của người dân và tổ chức kinh tế không biết đầu tư vào đâu nên quay lại gửi ngân hàng, bất chấp lãi suất huy động đang ngày càng thấp.

Doanh nghiệp khó đáp ứng về tài sản đảm bảo

Theo ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn HDC, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay vẫn là nguồn vốn.

Chia sẻ về thực tế doanh nghiệp mình, ông nói: Để vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, chúng tôi tiếp cận 3 ngân hàng có thể cấp hạn mức tín dụng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, số có thể giải ngân tín chấp chỉ từ 8-10 tỷ đồng, do ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Không có tài sản đảm bảo, dù báo cáo tài chính tốt, dòng tiền tốt, doanh nghiệp cũng không được vay thêm.

Hiện tại ngân hàng có hơn 6 triệu tỷ đồng nhưng khó cho vay.

Hiện tại ngân hàng có hơn 6 triệu tỷ đồng nhưng khó cho vay.

Giám đốc HDC cho biết, doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu của nhà băng về tài sản đảm bảo mặc dù công ty có báo cáo tài chính minh bạch. Khách hàng trong nước đều là những doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan, Lotte… nên công ty có dòng tiền ổn định. Suốt 4 năm qua, chưa khi nào dòng tiền thanh toán của khách hàng về doanh nghiệp chậm quá 5 ngày.

Vấn đề của doanh nghiệp là phải chấp nhận cho đối tác chậm thanh toán trong vòng 2 tháng. Trong khi mua sản phẩm của nông dân bằng tiền mặt, doanh nghiệp phải thanh toán ngay. Trong thời gian đó, công ty mong muốn được ngân hàng cùng đồng hành tin tưởng, như cách mà HDC đang tin tưởng vào chính khách hàng của họ.

“Các ngân hàng nói rằng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay tín chấp tối đa chỉ 3-5 tỷ đồng. Nếu vay tại 3 ngân hàng cũng chỉ vay được tối đa 10 tỷ đồng. Có ngân hàng ra hạn mức cho vay 27 tỷ đồng nhưng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Như Techcombank chấp nhận thế chấp bằng các khoản phải thu, nhưng lại chỉ áp dụng với khoản phải thu của Masan, trong khi chúng tôi có rất nhiều khách hàng”, ông Huân nói.

Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay bằng hình thức tín chấp, quản lý dòng tiền... nếu thấy doanh nghiệp làm ăn công khai, minh bạch. Tuy nhiên, ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, doanh nghiệp vay vốn ở nhiều nơi khiến cho việc kiểm soát của ngân hàng không thực sự đạt mục tiêu.

Đại diện BIDV cũng nêu thực trạng, hiện các doanh nghiệp thường tồn tại 2 hệ thống báo cáo tài chính, một để gửi ngân hàng và một để gửi cơ quan thuế. Số liệu của hai báo cáo thường không đồng nhất, nên rất khó cho nhà băng trong việc đánh giá chính xác năng lực cũng như dòng tiền của doanh nghiệp.

“Cùng lúc doanh nghiệp quan hệ với 5-7 ngân hàng. Trong khi báo cáo tài chính không minh bạch. Chúng tôi thấy điều này khiến cho một số ngân hàng cảm thấy nản lòng trong việc thực hiện giải pháp hỗ trợ, cơ cấu lại cho doanh nghiệp”, ông Trần Long nói.

Làm gì để tiền hết “ế” trong ngân hàng?

Tại buổi hội thảo bàn về việc tăng khả năng hấp thụ vốn được tổ chức ngày 25-7, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, cho biết trong 6 tháng đầu năm, tín dụng chỉ mới tăng 4,73%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, ông Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm những khoản chi có thể để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

NHNN cũng đã giao hết room năm 2023 cho các ngân hàng nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright, nhu cầu tín dụng sẽ tăng khi lãi suất giảm thêm, nhưng ngân hàng vẫn thận trọng với các quyết định giải ngân nhằm kiểm soát rủi ro, vì sức khỏe doanh nghiệp yếu đi nhiều, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Mặt khác, lãi suất giảm chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định đến nhu cầu vay vốn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc giảm lãi suất hỗ trợ không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Bởi dù giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng như tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Do đó, ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp.

Trên thực tế, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Bởi lẽ, hạ chuẩn đồng nghĩa với nợ xấu tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Thực tế hiện nay cho thấy, tại một số ngân hàng, nợ xấu nội bảng vẫn dưới 3%, nhưng nợ tiềm ẩn đang có xu hướng tăng.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-co-hon-6-trieu-ty-dong-nhung-van-kho-cho-vay-1094211.html