Ngân hàng bị can thiệp sớm phải có phương án khắc phục trước 1/7/2025

Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung quy định yêu cầu ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm. Phương án khắc phục phải được xây dựng, thông qua trước ngày 1/7/2025.

Sáng 19/2, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, gồm Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì cuộc họp báo sáng 19/2.

Hạn chế tình trạng thao túng ngân hàng

Giới thiệu Luật Các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết, Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 gồm 15 Chương, 210 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 với nhiều nội dung mới.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10%; cổ đông cá nhân và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Bên cạnh đó, khái niệm "người có liên quan” cũng được mở rộng, gồm cả cha mẹ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con rể; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha...

Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước qua thanh tra, giám sát, cũng được xem là người có liên quan.

Trong đó, xuất phát từ nhận diện được những vấn đề của hệ thống các tổ chức tín dụng liên quan đến quyền, ảnh hưởng của cổ đông lớn, nhóm cổ đông, Luật đã có các quy định cụ thể để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của hệ thống ngân hàng, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng.

Theo đó, Luật đã giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan; bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, thông tin về người có liên quan của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng; bổ sung các quy định để đảm bảo quyền của cổ đông thiểu số; luật hóa và bổ sung tại Luật một số quy định về vốn và sử dụng vốn của tổ chức tín dụng, nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí…

Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành cũng như nâng cao tính độc lập, vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập; thành viên Ban kiểm soát; tăng số lượng tối thiểu thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, tăng cường trách nhiệm của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng…

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu tại phiên họp.

Rà soát, bổ sung các trường hợp được can thiệp sớm

Điểm mới nữa là Luật đã hoàn thiện các quy định để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Cụ thể, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Luật các Tổ chức tín dụng đã bổ sung quy định yêu cầu ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án khắc phục dự kiến trong các trường hợp bị can thiệp sớm.

Phương án khắc phục phải được xây dựng, thông qua trước ngày 1/7/2025, hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp giấy phép. Định kỳ ít nhất 2 năm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải cập nhật, điều chinh phương án khắc phục để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, Luật cũng thay đổi về cách tiếp cận đối với can thiệp sớm tổ chức tín dụng phù hợp với thông lệ quốc tế. Các trường hợp được can thiệp sớm được rà soát, bổ sung so với luật hiện hành.

“Trên tinh thần từ xa, từ sớm, khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, NHNN có văn bản gửi tổ chức tín dụng. Văn bản này sẽ nêu rõ các yêu cầu, hạn chế đối với tổ chức tín dụng, bao gồm cả việc xây dựng, cập nhật phương án khắc phục để khắc phục các yếu kém phát sinh trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện thành công phương án khắc phục và trở lại hoạt động bình thường, việc áp dụng các biện pháp hạn chế, yêu cầu của NHNN cũng chấm dứt” - Phó Thống đốc NHNN cho hay.

Luật Các tổ chức tín dụng mới cũng bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt, trong đó quy định rõ các biện pháp sẽ áp dụng khi một tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp tự thân của ngân hàng và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.

Về kiểm soát đặc biệt và các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, luật mới quy định phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyên giao bắt buộc, phương án giải thể, phương án phá sản.

Theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, việc xây dựng, thực hiện các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cũng đã được điều chỉnh để xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh thời gian qua.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-hang-bi-can-thiep-som-phai-co-phuong-an-khac-phuc-truoc-172025-145237.html