Ngân hàng ASEAN và nguy cơ bị 'bào mỏng' biên lợi nhuận trong năm 2024

Các ngân hàng ASEAN có thể chứng kiến nguồn thu nhập dồi dào thời kỳ lãi suất cao bị 'bào mỏng' khi khả năng các đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian tới thành hiện thực.

Các ngân hàng Đông Nam Á gặp áp lực lớn khi phải duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong môi trường lãi suất thấp hơn trong năm 2024. Ảnh: Business Times

Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi những tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới do áp lực lạm phát giảm bớt dần, khiến tiền sẽ sớm rẻ hơn. Đối với các ngân hàng lớn nhất ASEAN, hầu hết có trụ sở tại Singapore, tăng trưởng thu nhập từ các khoản cho vay có thể chậm lại trong những tháng tới.

Chiến lược tăng trưởng trong môi trường lãi suất thấp

Chuyên gia tư vấn tài sản Kavan Choksi tại hãng tư vấn doanh nghiệp KC Consulting cho rằng: “Môi trường lãi suất thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Điều tối quan trọng là các ngân hàng phải chuyển hướng, tập trung vào việc đưa ra các chiến lược nhằm duy trì tăng trưởng trong bối cảnh môi trường lãi suất đang có xu hướng hạ dần”.

DBS Group Holdings, United Overseas Bank (UOB) và Oversea-Chinese Banking Corp (OCBC) – ba ngân hàng lớn nhất của Singapore đang tham khảo lãi suất của Fed để ấn định lãi suất cho vay. Các chuyên gia tin rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ lãi có thể đã đạt đến đỉnh điểm.

Hôm 28-2, OCBC cho biết tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) sẽ dao động từ 2,20-2,25% trong năm 2024, thấp hơn so với mức 2,29% được ghi nhận trong quí 4-2023.

OCBC đạt lợi nhuận ròng 1,6 tỉ đô la Singapore (1,2 tỉ đô la) trong quí cuối năm ngoái, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước đó. Ngân hàng này đã dự đoán “tăng trưởng cho vay ở mức thấp một chữ số” vào năm 2024.

Trong khi đó, trong báo cáo kinh doanh mới nhất, UOB lưu ý rằng tỷ suất lợi nhuận từ lãi đã đạt đỉnh. Tuần trước, ngân hàng cho biết NIM đứng ở mức 2,02% trong quí vừa rồi, mức thấp nhất trong tất cả các quí trong năm 2023. NIM cao nhất năm ngoái đạt 2,14% trong khoảng quí 1, và sau đó giảm dần trong các quí tiếp theo.

Phát biểu trong buổi báo cáo kinh doanh tuần rồi, Giám đốc Tài chính Lee Wai Fai của UOB nêu rõ: “Rõ ràng là môi trường lãi suất đang giảm… Khả năng quản lý chi phí tiền gửi sẽ quan trọng hơn khả năng quản lý lợi nhuận. Thách thức mà chúng tôi gặp phải là duy trì NIM và quản lý tốt số tiền gửi tại ngân hàng”.

Chật vật khi NIM chạm đỉnh

Để duy trì tính cạnh tranh, thời gian qua các ngân hàng Singapore đã tăng lãi suất tiền gửi để thu hút dòng tiền trong môi trường chi phí tài chính đang ở mức cao hiện nay. Nhưng chi phí vay cao cũng ngăn cản mở rộng tệp khách vay, khiến lợi nhuận ngân hàng bị giảm.

Trong một báo cáo đầu tháng 2, nhà phân tích Carmen Lee thuộc đơn vị nghiên cứu đầu tư của OCBC cho rằng tăng trưởng cho vay chậm hơn và sự thay đổi đột ngột môi trường vĩ mô tại các thị trường ASEAN trọng điểm là những rủi ro lớn với UOB. “Biên lãi ròng được cải thiện từ 1,86% trong năm tài chính 2022 lên 2,09% trong năm tài chính 2023. Những nhà vận hành UOB đang hướng tới mức NIM khoảng 2% trong năm tài chính 2024”.

Tại các nền kinh tế chính trong khối ASEAN, các ngân hàng Thái Lan và Indonesia cũng phải vật lộn với áp lực về thu nhập. Trong báo cáo phát hành tháng 1, hãng nghiên cứu tín dụng CreditSights lưu ý các ngân hàng của Thái Lan, bao gồm Krung Thai, TMB Thanachart và Bangkok Bank về vấn đề “NIM hàng quí gần hoặc đã đạt đỉnh”.

“Quí cuối 2023 có mức tăng trưởng tín dụng kém do các ngân hàng tập trung vào chất lượng tăng trưởng tín dụng giữa lúc nợ hộ gia đình tăng cao và các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi đi vay. Đáng nói là nền kinh tế hồi phục vẫn chậm chạp và không đồng đều. Do vậy, các ngân hàng vẫn thận trọng trong năm tài chính 2024”, báo cáo của CreditSights viết.

Tại Indonesia, CreditSights đã lưu ý vào tháng 2 rằng các ngân hàng Bank Mandiri và Bank Negara Indonesia đã “đạt hiệu quả hoạt động mạnh mẽ” trong năm ngoái, mặc dù cả hai đều phải đối mặt với áp lực NIM cao hơn. “Chi phí vốn tăng trở lại trong quí nên cả hai ngân hàng đều chứng kiến NIM giảm so với quý trước. Họ đều đưa ra định hướng về mức NIM tổng thể ổn định như năm ngoái hoặc thấp hơn một chút trong năm tài chính 2024”.

Theo dõi sát các động thái của Fed

Đầu tháng 2, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á tính theo tổng tài sản là DBS của Singapore báo cáo NIM trong quí cuối đứng ở mức 2,13%, cao hơn một chút so với mức 2,12% được ghi nhận trong quí 1 và là con số thấp thứ hai trong năm 2023.

CEO Piyush Gupta của DBS cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra quyết định sáng suốt là cố định lãi suất, nhưng vào cuối quí 3 và quí 4. Chúng tôi đã đầu tư khoảng 30 tỉ đô la Singapore trong khoảng thời gian đó chỉ nhằm đạt được lãi suất bảo vệ chúng tôi khỏi môi trường lãi suất giảm trong tương lai”.

Theo báo cáo tháng 2-2024 của hãng dịch vụ tài chính Jefferies, triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu đang xấu đi và đây là một rủi ro lớn với ngân hàng quy mô lớn như DBS. Tình hình này có thể hạn chế tăng lợi nhuận của DBS trong năm nay.

Vẫn có thể còn một thời gian nữa để các ngân hàng như DBS tận dụng tối đa chi phí tài chính cao nếu Fed tiếp cận thận trọng đối với bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào trong tương lai.

Trong khi đó, ngân hàng HSBC của Anh nhấn mạnh rằng thời điểm Fed thực hiện bất kỳ động thái cắt giảm lãi suất chính sách nào cũng phải phụ thuộc vào chỉ số lạm phát trong những tháng tới.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ngan-hang-asean-va-nguy-co-bi-bao-mong-bien-loi-nhuan-trong-nam-2024/