Ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm hồ thủy lợi ở xã Ngọc Thanh (Phúc Yên): Cần sự phối hợp tích cực của các cơ quan liên quan

Đổ đất san gạt mặt bằng lấn chiếm lòng hồ; ngang nhiên xây bờ kè, tạo lập công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ hồ…là những vi phạm diễn ra tại một số hồ thủy lợi trên địa bàn xã Ngọc Thanh thời gian qua, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Diện tích đổ đất trái phép tại hồ Thanh Niên, thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh. Ảnh: Thiệu Vũ.

Vi phạm chậm được xử lý

Hồ Thanh Niên được bàn giao tên hồ về Công ty Thủy lợi Phúc Yên quản lý từ năm 2010, khi bàn giao không có diện tích, dung tích của hồ.

Sau nhiều lần công ty có ý kiến về việc bàn giao triệt để ngoài thực địa để có diện tích lòng hồ theo Văn bản số 4326, ngày 4/8/2014 của UBND tỉnh nhưng vẫn chưa bàn giao triệt để.

Năm 2020, Công ty Thủy lợi Phúc Yên đã tự đo, lập bản đồ lòng hồ để quản lý tưới, tiêu. Diện tích lòng hồ tạm thời Công ty Thủy lợi Phúc Yên quản lý là 2,44 ha.

Hiện nay, xung quanh phạm vi của hồ xác định xác định được 4 vị trí đổ đất với diện tích hơn 1.300 m2; một vị trí được đặt thêm hai cống tròn thoát nước bằng bê tông với đường kính 70 cm.

Một số vi phạm được Công ty Thủy lợi Phúc Yên lập biên bản vi phạm lần đầu vào ngày 13/8/2021. Ngày 16/8/2021 Công ty Thủy lợi Phúc Yên cùng UBND xã Ngọc Thanh lập Biên bản về kiểm tra việc đổ đất, rào cột bê tông dây thép gai trong phạm vi hồ Thanh Niên. Tuy nhiên đến tháng 12/2021, các vi phạm trên vẫn tồn tại, tiếp diễn, thậm chí mức độ còn tăng lên.

Ngoài hồ Thanh Niên, tại các hồ Lập Đinh, Trại Trâu, Thanh Cao đều xuất hiện các vi phạm tương tự với thời gian thực hiện vi phạm căn cứ theo biên bản của Công ty Thủy lợi Phúc Yên cũng cách nay từ vài tháng đến hàng năm trời. Nhưng việc xử lý diễn ra rất chậm.

Cụ thể, tại hồ Lập Đinh biên bản của Công ty ghi nhận gia đình ông Nguyễn Văn Tư, thôn Lập Đinh, bắt đầu vi phạm vào ngày 10/8/2021. Hồ Trại Trâu, gia đình ông Trần Mạnh Hiệp đổ xe đất đầu tiên vào ngày 12/12/2021.

Nhất là tại hồ Thanh Cao, thời điểm phát hiện hộ gia đình ông Tô Quang Thảo vi phạm từ ngày 4/1/2021. Ngày 21/01/2021 Công ty Thủy lợi Phúc Yên phối hợp cùng UBND xã Ngọc Thanh lập biên bản vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Thanh Cao đối với hộ gia đình ông Tô Quang Thảo, nhưng đến nay vi phạm vẫn chưa được xử lý.

Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan

Công ty Thủy lợi Phúc Yên khẳng định, đối với các vi phạm ở xã Ngọc Thanh, tất cả các vụ việc công ty đã kiểm tra, phát hiện ngay từ ban đầu khi có vi phạm.

Công ty đã lập biên bản vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm công trình thủy lợi. Nhưng hầu hết người vi phạm không ký biên bản vi phạm. Sau khi lập biên bản và quay các hình ảnh vi phạm, Công ty đều có văn bản gửi các cấp chính quyền địa phương và các ban ngành theo đúng chức năng và quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị được giao quản lý.

Theo quy định của Luật Thủy lợi, công ty không có thẩm quyền giải quyết các hành vi vi phạm. Công ty chỉ có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm công trình thủy lợi, lập biên bản vi phạm, báo cáo các cấp chính quyền địa phương để xử lý.

Để làm rõ hơn nội dung trên, phóng viên Báo Vĩnh Phúc đã làm việc với UBND xã Ngọc Thanh. Ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa phương luôn nỗ lực, tích cực phối hợp với Công ty Thủy lợi Phúc Yên trong việc quản lý, ngăn chặn và xử lý vi phạm các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Thực tế đến nay, các vi phạm tại hồ Lập Đinh, Thanh Niên, Trại Trâu đã cơ bản được xử lý xong. Mặc dù vậy, vẫn có những thời điểm việc phối hợp chưa nhịp nhàng khiến cho công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm gặp khó khăn, kéo dài.”

Trao đổi thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phúc Yên Tạ Xuân Vừng khẳng định: “Thành phố rất quyết liệt trong xử lý vi phạm các công trình thủy lợi, hồ chứa nước. Các cá nhân, tổ chức nếu có vi phạm đều phải xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ở đây, trách nhiệm chính và cao nhất phải là phía Công ty Thủy lợi Phúc Yên - đơn vị được giao quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn.”

Luật Thủy lợi năm 2017 quy định, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm, phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

UBND các cấp có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và quản lý an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn.

Quy định của pháp luật đã rất rõ ràng, cụ thể. Do vậy, người dân rất mong muốn tỉnh chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm cũng như chậm xử lý vi phạm.

Có như vậy mới ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm và không để vi phạm tái diễn trong thời gian tới.

Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/72536/ngan-chan-xu-ly-tinh-trang-lan-chiem-ho-thuy-loi-o-xa-ngoc-thanh-phuc-yen-can-su-phoi-hop-tich-cuc-cua-cac-co-quan-lien-quan.html