Ngăn chặn tội phạm trẻ tuổi cướp ngân hàng: Cần đẩy mạnh giáo dục từ gia đình

Trong 2 năm qua, cả nước đã xảy ra 13 vụ cướp ngân hàng. Điều đáng chú ý là đa số đối tượng gây án đều trẻ tuổi, không phải tội phạm chuyên nghiệp, có tổ chức mà hoạt động đơn lẻ. Động cơ gây án của nhiều trường hợp vì mục đích rất 'lạ đời' như cướp để có tiền vào showbiz, cướp để mua xe phân khối lớn, thỏa mãn đam mê tốc độ.

Đối tượng Nguyễn Văn Nam tại cơ quan Công an Ảnh: Công an Hải Phòng

Trong 2 năm xảy ra 13 vụ cướp ngân hàng

Mới đây, ngày 7/1/2022, một đối tượng đã xông vào phòng giao dịch Đình Vũ - Chi nhánh ngân hàng Vietcombank Hải Phòng rồi dùng súng, đe dọa bảo vệ và nhân viên phòng giao dịch. Đối tượng này sau đó đã cướp đi số tiền khoảng 3,5 tỉ đồng rồi tẩu thoát. Ngay sau đó, Công an TP Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, truy bắt hung thủ. Chỉ sau một thời gian ngắn, lực lượng công an đã bắt giữ tên cướp khi hắn đang trên đường lẩn trốn ở Thái Nguyên. Khi công an bắt giữ, khám xét trong người đối tượng đã thu giữ tại chỗ 2 khẩu súng, 40 viên đạn, 1 xe máy, 1 điện thoại di động và hơn 1,2 tỉ đồng tiền mặt.

Đối tượng gây án là Nguyễn Văn Nam, sinh năm 1998, trú tại thôn Minh Hồng, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng. Sau khi cướp được tiền, thanh niên 24 tuổi này đã lên Hà Nội mua ngay một chiếc xe phân khối lớn trị giá hơn 700 triệu đồng rồi tiếp tục bỏ trốn cho đến khi bị bắt giữ.

Tính cả vụ cướp nêu trên thì từ năm 2019 đến nay, cả nước đã xảy ra 13 vụ cướp, đặc biệt trong năm 2020, có ít nhất 8 vụ. Điều đáng chú ý trong các vụ cướp là đa số đối tượng gây án không phải tội phạm chuyên nghiệp, có tổ chức mà hoạt động đơn lẻ. Động cơ gây án xuất phát từ làm ăn thua lỗ, bí bách về tài chính.

Tháng 7/2020, đối tượng có tên Hoàng Ngọc, nguyên tổng giám đốc GNN Express, đơn vị chuyển phát nhanh, đã rủ Phùng Hữu Mạnh dùng súng đi cướp ngân hàng tại Phòng giao dịch Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Ngọc Khánh, Hà Nội và cướp được hơn 940 triệu đồng. Đây là vụ việc gây rúng động dư luận bởi các đối tượng chọn địa điểm cướp ngay tại con phố đông đúc tại Thủ đô, phòng giao dịch cũng rất đông khách hàng. Các đối tượng này sau khi lấy được tiền đã dùng thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh cơ quan điều tra. Cả 2 chia nhau tiền rồi "nằm im" cả tháng trời, không một động tĩnh.

Trước đó, vào ngày 20/4/2020, đối tượng Trần Hữu Trung đã sử dụng súng quân dụng K59 tới cướp tại một phòng giao dịch của ngân hàng Techcombank ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Cũng trong năm 2020, một đối tượng ở TP. Hồ Chí Minh đã ngụy trang kín mít đến trung tâm thương mại để cướp ngân hàng Techcombank. Đối tượng này đã uy hiếp, cướp đi số tiền hơn 2 triệu đồng rồi bỏ trốn. Khi bị bắt giữ, đối tượng khai nhận cướp để có tiền vào showbiz.

Mặc dù thời điểm, cách thức hoạt động khác nhau nhưng các vụ cướp ngân hàng đều có điểm chung là manh động, liều lĩnh và kẻ phạm tội có tuổi đời còn trẻ.

Sau khi cướp ngân hàng, Nguyễn Văn Nam đã đi mua “siêu xe” cho mình

Cần tăng cường giáo dục pháp luật

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, đối tượng cướp ngân hàng thường xuất phát từ nợ nần, làm ăn thua lỗ, bí bách rồi lao vào cướp ngân hàng. Bởi họ mặc định, ngân hàng là nơi nhiều tiền. Ở Việt Nam, ít xảy ra trường hợp tội phạm chuyên nghiệp thực hiện vụ cướp ngân hàng.

Một chuyên gia về tội phạm phân tích, nguyên nhân có thể do người trẻ ăn chơi, thiếu tiền nên túng quá làm liều. Ví dụ trường hợp Phùng Thị Thắng xông vào chi nhánh Techcombank để cướp với mục đích có tiền vào showbiz. Vị này cho rằng, điều đó phản ánh sự lệch lạc về nhận thức của một bộ phận giới trẻ. Hoặc trường hợp tên cướp ngân hàng Vietcombank ở Hải Phòng. Mới 24 tuổi, không lo làm ăn, Nam lại có đam mê với xe phân khối lớn. Thay vì chăm chỉ làm việc, tích góp tiền để thỏa mãn đam mê, Nam đã chọn cho mình con đường: Cướp ngân hàng. Sau khi cướp được hơn 3,5 tỉ đồng, Nam đã đến ngay showroom để mua con xe mơ ước của mình với giá hơn 700 triệu đồng.

Theo trung tá, TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái. Bên cạnh đó, gia đình phải bồi dưỡng, giáo dục cho người chưa thành niên nhận thức đúng và có hành vi chuẩn mực, có kiến thức pháp luật. Ngoài ra, giáo dục nhà trường cũng rất quan trọng. Nhà trường cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý, giáo dục các em phát triển toàn diện.

Trước những vụ cướp ngân hàng liên tục xảy ra, Bộ Công an đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cần có hệ thống camera giám sát, bố trí công khai và bí mật, có khả năng theo dõi, kiểm soát từ xa, bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch. Đồng thời, các video thu được phải chất lượng tốt, có màu sắc và độ phân giải cao, rõ nét để phục vụ quá trình điều tra, truy xét, nhận dạng đối tượng gây án, phương tiện sử dụng, hướng đến và đi của đối tượng. Ngoài ra, các phòng giao dịch nên lắp đặt hệ thống báo động và phát tín hiệu khẩn cấp được kết nối với cơ quan công an sở tại gần nhất. Hệ thống này phải được bố trí tại những nơi nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận, bí mật kích hoạt. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật tới người dân, nhất là trong các trường học để giới trẻ nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của mình cũng như hạn chế, ngăn ngừa tội phạm.

Đối với người dân, Bộ Công an khuyến cáo, trước và sau khi thực hiện các hoạt động giao dịch liên quan đến gửi và rút tiền mặt tại các phòng giao dịch của ngân hàng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa các đối tượng cướp ngân hàng. Người dân cần chú ý bảo vệ tài sản, tiền khi lưu thông từ nơi cất giữ đến ngân hàng và ngược lại, nhất là vào những khung thời gian, đoạn đường vắng vẻ, ít người qua lại và tại thời điểm vừa cầm tiền ra khỏi ngân hàng.

Hà Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ngan-chan-toi-pham-tre-tuoi-cuop-ngan-hang-can-day-manh-giao-duc-tu-gia-dinh-20220113190917108.htm