Ngăn bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan: Cần kiểm soát chặt nguồn giống khi tái đànTin khácThanh niên phát huy vai trò bảo vệ nền tảng tư tưởng của ĐảngNgành ngân hàng: Ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo chuyển tiền qua mạng

Thời gian qua, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, số ổ bệnh mới gia tăng, nhất là từ đầu tháng 6/2022 đến hết tháng 7/2022. Đến thời điểm ngày 5/8, vẫn còn 7 huyện (Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan, Lộc Bình) có ổ bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày.

Tại huyện Cao Lộc, ổ bệnh DTLCP bắt đầu xuất hiện vào ngày 9/5 tại một hộ ở thôn Nà Tèn (xã Hải Yến) và từ đó đến nay vẫn tiếp tục lây lan. Tính đến hết tháng 7/2022, trên địa bàn huyện Cao Lộc có 49 thôn của 14 xã phát sinh ổ bệnh mới. Tương tự, tại địa bàn huyện Tràng Định, bệnh DTLCP xuất hiện trở lại từ đầu tháng 5/2022 (tại xã Quốc Việt) và từ đó đến nay đã có 27 thôn của 10 xã thuộc huyện Tràng Định xuất hiện ổ bệnh DTLCP, tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy là 426 con với trọng lượng hơn 24 tấn. Đây là 2 trong số các huyện có ổ bệnh DLTCP tái phát và lây lan rộng nhất.

Nhân viên Hợp tác xã An Hồng, thành phố Lạng Sơn vệ sinh chuồng trại phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Đình Quyết

Nhân viên Hợp tác xã An Hồng, thành phố Lạng Sơn vệ sinh chuồng trại phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Đình Quyết

Bên cạnh đó từ tháng 6/2022 đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Sơn, Văn Quan, Văn Lãng… cũng phát sinh nhiều ổ bệnh DTLCP mới. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chính khiến các ổ bệnh DTLCP tái phát và lây ra diện rộng trong thời gian qua là do các hộ chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn lợn nên việc vận chuyển, mua bán con giống khá nhiều nhưng do mua con giống bị nhiễm bệnh hoặc đã mang mầm bệnh nên dẫn đến việc lây lan bệnh DLTCP vào địa bàn.

Ông Chu Văn Khang, thú y viên xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho biết: Nguyên nhân phát sinh ổ bệnh DTLCP mới và lây lan tại một số thôn của xã Hải Yến trong thời gian qua là do một số hộ dân mua lợn giống không rõ nguồn gốc. Theo quy định thì bà con khi mua con giống để tái đàn phải báo cho chính quyền địa phương hoặc thú y viên cơ sở nhưng thời gian qua, bà con chăn nuôi lợn đều không tuân thủ.

Bà Lộc Thị Hoa Quỳnh, Trưởng Bộ phận Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn thành phố xuất hiện ổ bệnh DTLCP tại xã Hoàng Đồng. Nguồn bệnh được xác định là do người chăn nuôi mua con giống có bệnh nhập đàn nuôi cũ nhưng không báo với thú y viên cơ sở, cũng như không tuân thủ quy định về nuôi tách đàn 21 ngày trước khi nhập đàn. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho hộ chăn nuôi mà còn khiến công tác phòng, chống, kiểm soát bệnh DTLCP gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đường truyền bệnh DTLCP thời gian qua khó kiểm soát bởi người nuôi quy mô hộ gia đình nhập nguồn giống tái đàn không rõ nguồn gốc. Vì vậy, trong 7 tháng đầu năm 2022, bệnh DTLCP đã tái phát và xuất hiện ở 181 thôn trên địa bàn 66 xã của 10 huyện, thành phố (trừ Hữu Lũng). Tổng số lợn phải tiêu hủy là 1.873 con.

Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ An Hồng chủ động nguồn giống trong nuôi dưỡng

Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ An Hồng chủ động nguồn giống trong nuôi dưỡng

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để ngăn chặn DTLCP, trong thời gian qua, chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành các văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát nguồn lợn giống trước khi tái đàn.

Theo đó, các phòng chuyên môn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố cần tăng cường rà soát, nắm rõ nhu cầu tái đàn, mở rộng đàn của các hộ chăn nuôi lợn, từ đó hướng dẫn, hỗ trợ các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn. Chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo thú y viên cơ sở tăng cường rà soát, thống kê, nắm rõ số lượng các hộ chăn nuôi lợn, số lượng từng loại lợn trên địa bàn quản lý để chủ động triển khai giám sát dịch bệnh, xử lý dứt điểm khi bệnh DTLCP mới xuất hiện. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát nguồn gốc giống lợn nhập vào địa phương trong thời điểm này. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP, thông báo cho người chăn nuôi về nguy cơ tái phát và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi nắm vững, nhất là tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động khai báo về nguồn lợn giống mua về để tái đàn, từ đó hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh dịch trước khi nhập đàn.

Theo thông báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời điểm này, giá lợn trên thị trường đang tăng, nhu cầu về tái đàn của các hộ chăn nuôi cũng vì thế sẽ tăng theo. Để tổ chức và thúc đẩy chăn nuôi lợn phát triển thì việc tái đàn, tăng đàn lợn là cần thiết. Tuy vậy, để phòng chống và ngăn chặn bệnh DTLCP tái phát và lây lan thì việc quan trọng nhất trong thời gian này là kiểm soát chặt nguồn lợn giống trước khi tái đàn. Song song với đó, ngành nông nghiệp tỉnh, các huyện và thành phố cần xây dựng cơ sở chăn nuôi và cung cấp giống lợn tại chỗ để xuất bán cho các hộ chăn nuôi tại địa phương. Chỉ như vậy, việc kiểm soát nguồn lợn giống mới đảm bảo được thực hiện triệt để.

TRÍ DŨNG - HOÀNG CƯỜNG

DƯƠNG DUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/518961-ngan-benh-dich-ta-lon-chau-phi-tai-phat-va-lay-lan-can-kiem-soat-chat-nguon-giong-khi-tai-dan.html