Ngắm vẻ đẹp của các cô gái Hà Nhì trong điệu múa dân gian

Người Hà Nhì có nhiều điệu múa dân gian, mỗi điệu múa như sợi dây gắn kết cộng đồng, củng cố tinh thần đoàn kết của người dân.

Trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa của Năm du lịch quốc gia – Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban Điện Biên 2024, sáng 16/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức Khai mạc các hoạt động không gian văn hóa vùng cao và trưng bày giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch.

Ngắm vẻ đẹp của các cô gái Hà Nhì trong điệu múa dân gian.

Người Hà Nhì sống ở miền núi cao, gần khu vực biên giới nên ít chịu ảnh hưởng từ văn hóa của các dân tộc khác. Người Hà Nhì lưu giữ nhiều di sản văn hóa, trong đó múa là một hình thức sinh hoat văn hóa, văn nghệ không thể thiếu trong đời sống xã hội.

Người Hà Nhì thường múa vào dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội, lễ tết, … Múa dân gian của người Hà Nhì có các điệu: Múa trống (Hừ từ mí xá cự), múa sản xuất (Ú chà khộ tố mí xà cự), múa nón (Lù hu mí xá cự), múa xòe (cá nhi nhi), múa ngày đẹp (á mì sư)... Các điệu múa của người Hà Nhì như sợi dây gắn kết cộng đồng, củng cố tinh thần đoàn kết và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Nét duyên dáng của các cô gái Hà Nhì làm say đắm mỗi du khách có mặt tại sự kiện văn hóa của Năm du lịch quốc gia – Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban Điện Biên 2024.

Một số hình ảnh phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống ghi nhận sáng 16/3 trong không gian văn hóa vùng cao trong khuôn khổ ác hoạt động văn hóa của Năm du lịch quốc gia – Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban Điện Biên 2024.

Đến với đồng bào Hà Nhì trong dịp tết hay dịp lễ hội du khách không chỉ được đắm chìm trong câu hát, điệu múa, mà còn được chiêm ngưỡng sắc màu rực rỡ từ những bộ trang phục dân tộc truyền thống, hòa mình cùng điệu múa xòe uyển chuyển, say đắm lòng người.

Không gian văn hóa vùng cao được tái hiện trong ngày hội. Tại đây, rất nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc anh em được tổ chức nhằm góp phần tôn vinh, khơi dậy tình yêu văn hóa các dân tộc. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa truyền thống các dân tộc đến gần hơn với nhân dân, du khách.

Du khách cùng hòa chung tiếng hát và điệu múa cùng đồng bào dân tộc.

Biểu diễn khèn mông tại không gian văn hóa vùng cao.

Đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên tham gia hội thi ném còn.

Các hoạt động không gian văn hóa vùng cao và trưng bày giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch được tổ chức trong ba ngày (từ 16 đến hết ngày 18/3), tại hai điểm là khu di tích hầm Đờ-cat và Trung tâm giao lưu văn hóa thông tin du lịch Điện Biên Phủ.

Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngam-ve-dep-cua-cac-co-gai-ha-nhi-trong-dieu-mua-dan-gian-169240316120115016.htm