Ngắm những tác phẩm đặc sắc của làng nghề sơn mài Hổ Sơn qua các bàn tay nghệ nhân

Những nét văn hóa và các sản phẩm sơn mài làng nghề truyền thống Hổ Sơn, huyện Vụ Bản, Nam Định đến nay vẫn giữ được nét truyền thống. Các sản phẩm do bàn tay những 'nghệ nhân' tạo ra gần như có mặt ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt ở những nơi như đền, chùa, đình.

Video: Những tác phẩm của làng nghề sơn mài truyền thống Hổ Sơn ở Nam Định

Theo tìm hiểu của phóng viên, làng nghề sơn mài truyền thống Hổ Sơn nằm trên địa bàn xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là một trong những nơi phát tích nghề sơn mài từ đầu thế kỷ XV. Sản phẩm sơn mài của làng nổi tiếng bởi người dân có kỹ nghệ làm sơn điêu luyện từ cây sơn mọc tự nhiên trên dãy núi Hổ.

Trải qua hàng trăm năm, đến nay nghề sơn mài truyền thống vẫn giữ nguyên “hồn”, các sản phẩm sơn mài trên chất liệu gỗ, phục vụ sinh hoạt tôn giáo.

Theo những người thợ nơi đây kể lại, thao tác chính của nghề sơn mài được hiểu là sơn và mài những lớp sơn đã phủ trên bề mặt sản phẩm khoảng 5 hoặc 7 lần, mỗi lần là một loại sơn khác nhau. Dụng cụ phết sơn, mài sơn cũng khác theo, khi thì dùng chổi tết bằng tóc, lúc lại dùng lá chuối khô, lá mít, đá cuội để mài trong nước,... sau cùng mới khảm, vẽ, thếp vàng, thếp bạc rồi dùng sơn cánh gián phủ lên bề mặt một lớp nữa.

Lúc này, toàn bộ bề mặt sản phẩm chỉ có màu đen, phải tiếp tục hong thật khô rồi lại đem mài với nước. Càng mài, những chi tiết, đường nét của sản phẩm dần dần lộ ra và nổi lên hoa văn mới hoàn tất quy trình.

Trong suốt quá trình làm phải tránh gió, tránh bụi, tránh ánh sáng mạnh và tránh cả côn trùng, ruồi, muỗi bay vào.

Chất liệu để phủ sơn mài lại rất đa dạng tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Đồ thờ tự nhất định phải là các loại gỗ mít, dổi, vàng tâm; đồ trang trí có thể là gỗ dán, giấy nện; tre, trúc, vỏ dừa,..

Theo ghi nhận của phóng viên, đa số các sản phẩm ở làng nghề sơn mài truyền thống Hổ Sơn là đồ thờ dùng trong công trình tôn giáo, tín ngưỡng như tượng phật, ban thờ, phù điêu, ngai, ỷ, kiệu, cống…; đồ mỹ nghệ trang trí nội thất như bình, khay, đĩa, tranh sơn mài nghệ thuật,...

Ông Bùi Đức Chiến truyền nhân đời thứ 11 về nghề sơn mài làng Hổ Sơn chia sẻ: “Từ khi theo nghề, tôi toàn đi làm ở xa, gần như trên khắp địa bàn cả nước. Đa số tôi toàn làm cho chùa, đình và đền hoặc các nơi thờ tự, khách có nhu cầu thì sẽ đáp ứng. Làm nghề này nhiều giai đoạn cũng khó khăn, thăng trầm. Bên cạnh đó, nếu muốn theo nghề thì vẽ phải đẹp và có hoa tay mới có nhiều tác phẩm sắc sảo”.

Theo các thợ sơn mài cho biết, nguyên liệu truyền thống của nghề sơn mài gồm: sơn ta, vàng quỳ, bạc quỳ, đất sét, vải, giấy, nhựa thông,... với 2 màu chủ đạo là son (là chất bột son đỏ chế biến từ một loại khoáng thạch là thần sa), then (chất sắt của chảo rang và bùn sẽ kết hợp với sơn để tạo nên sơn chín có màu đen), vàng, bạc, và khả năng điều tiết, gia giảm lượng cánh gián, kỹ thuật nhào nặn, chôn vùi, mài moi,… để tạo nên sản phẩm có màu sắc đẹp, bền, bóng, dày, mỏng, đậm, nhạt khác nhau tùy theo chủ ý của tay thợ.

Sản phẩm phù điêu, câu đối sau khi hoàn thiện nhìn rất lung linh.

Nhìn vào ít ai biết sản phẩm được dát vàng và vẽ từ sơn mài.

Một kiệu rước đang dần hoàn thiện.

Một kiệu rước khác được ông Bùi Đức Chiến làm cho khách ở tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thiện và chuẩn bị được vận chuyển đi.

Đa số các sản phẩm đều là nơi tâm linh như: chùa, đình và đền hoặc các nơi thờ tự.

Người dân kể lại, trước đây những thợ khéo tay trong làng gồm: cụ Bát Khâm, cụ Cưu Truyện làm được nhiều công trình nghệ thuật tinh xảo, được triều đình nhà Nguyễn khen thưởng và phong phẩm hàm.

Tính đến nay, làng nghề sơn mài truyền thống Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định vẫn giữ được những nét văn hóa và các sản phẩm đúng như cái tên.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Video: Những điều thú vị về làng nghề hơn 900 năm ở Nam Định

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ngam-nhung-tac-pham-dac-sac-cua-lang-nghe-son-mai-ho-son-qua-cac-ban-tay-nghe-nhan-172231203162239742.htm