Ngậm ngùi cho dân mình

Quả vải ra thị trường. Ảnh: MC

Nhiều báo đồng loạt đưa tin “vải thiều xuất sang Nhật bán hơn 400.000 đồng/ kg”.

Thời điểm này đang đúng mùa thu hoạch vải thiều. Các điểm bán trái cây, các chợ ở TP. Huế tràn ngập quả vải. Chúng ta hình dung, chỉ cần 10kg vải thiều mà nhiều chị bán trái cây dạo quẩy đi trong đôi gánh được bán hết ở Nhật đã thu về 4 triệu đồng. Là một cách liên tưởng vậy thôi chứ nếu các chị quẩy vải thiều đi bán như vậy mà thu được chừng đó số tiền thì giàu to. Giá vải thiều ở Huế chỉ bán được từ 30 - 35.000 đồng/kg thôi. Chừng ấy số vải thiều bay được qua Nhật giá đã tăng gấp 10 lần.

Với cái giá bán cao như vậy ở Nhật thì ai chẳng muốn, nhưng hoàn toàn không dễ. Năm 2022, tổng sản lượng vải thiều của Việt Nam ước tính 320.000 tấn. Riêng tỉnh Bắc Giang có sản lượng vải thiều ước tính 180.000 tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 40%, chủ yếu là thị trường Trung Quốc.

Không biết thị trường Trung Quốc thì như thế nào chứ xuất được qua Nhật Bản thì chịu một sự giám sát khắt khe về chất lượng. Toàn vùng vải thiều của Bắc Giang rộng lớn là vậy nhưng chỉ có 37 mã vùng trồng được cấp đi Nhật với diện tích chưa tới 300ha, sản lượng chừng 2.500 tấn. Từ năm 2022, 100% lô hàng từ Việt Nam đều phải qua cơ quan chức năng của Nhật Bản kiểm nghiệm. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép chỉ là 0,01mg/kg. Với chỉ số này, có thể nói dư lượng là bằng không. Chỉ 2 năm dịch COVID-19 bên Nhật Bản ủy nhiệm cho Việt Nam giám sát nhưng ngay sau đó, khi hết dịch họ đã cử chuyên gia qua giám sát trực tiếp. Quả là họ lo cho sức khỏe cho dân họ ghê gớm.

Đúng là xuất khẩu cũng có ba bảy đường. Hèn gì người Nhật có tiếng là sống thọ.

Từ chuyện xuất khẩu vải thiều sang Nhật mà thấy những thiệt thòi của dân mình. Chứng chỉ VietGAP có lẽ tiêu chuẩn thấp hơn GlobalGAP. Nhưng cách thức giám sát tiêu chuẩn VietGAP của chúng ta như thế nào cũng chưa thể tin cậy. Vùng trồng rau ở Thừa Thiên Huế cũng nhiều GAP, nhưng tỉnh cũng phải vận động tránh “trồng rau hai luống” – luống sạch nhà dùng luống “bẩn” thì ra chợ. Thử hỏi, cơ quan chức năng về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh (mà không chỉ có tỉnh của chúng ta đâu) đã giám sát vấn đề này như thế nào? Nhà nông vẫn cứ trồng rau, nuôi con lợn, con gà… chỉ qua thương lái là ra chợ. Dường như chẳng thấy ai giám sát hàng tiêu thụ nội địa. Vùng trồng vải ở Bắc Giang chỉ có chừng 50% là chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mà như trên đã nói, được chứng nhận rồi thì không biết có giám sát thường xuyên không, số còn lại 50% là sản xuất theo tiêu chuẩn gì? Có lẽ là “vô chuẩn”, nó tương đồng với 60% sản lượng tiêu thụ nội địa.

Hãy nghe một phụ trách tổ trồng vải xuất khẩu qua Nhật ở Bắc Giang mô tả về sử dụng các chế phẩm bảo vệ thực vật như sau: “Đối với trồng vải xuất khẩu Nhật Bản thì khó nhất là kỹ thuật khi không thể sử dụng tùy tiện thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Để phòng trừ sâu bệnh, nhiều năm nay, các nhà vườn chung nhau mua hàng tấn tỏi, ớt, sả về nghiền, ủ làm chế phẩm sinh học phun cho cây vải. Cách làm này giúp vải vượt qua nhiều đợt kiểm tra chất lượng, đảm bảo chất lượng xuất khẩu vào Nhật Bản”. Vì quyền lợi kinh tế của mình mà làm tốt chất lượng cho người dân Nhật Bản. Nghe ra mà ngậm ngùi cho dân mình “dễ tính”.

Muốn sướng, muốn văn minh… cũng phải đi kèm với điều kiện kinh tế. Các nước có thu nhập cao đều có chuẩn an toàn thực phẩm cao. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 vào khoảng 4,67 triệu 1 tháng, nghĩa là khoảng chừng 2.000 USD 1 năm. Vẫn biết người dân của chúng ta thu nhập thấp như vậy nên “đành” phải chấp nhận chuẩn thấp, mà có không chấp nhận thì cũng không có điều kiện để có chuẩn cao!?

Nghĩ về sức khỏe, gánh nặng cho chi phí sức khỏe, áp lực không mấy tốt đẹp lên ngành y tế, chẳng những ở hiện tại mà trong tương lai, một tương lai có thể còn kéo dài đến hàng chục năm, thậm chí dài hơn… mà buồn.

Trong điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta hiện tại, phải tìm một cách thức nào đó để kiểm soát tốt hơn về thực phẩm an toàn cho người dân. Cứ cấp trên có chỉ thị thì cấp dưới, cấp dưới nữa cũng có những văn bản tương ứng, còn cách thức kiểm soát như thế nào chưa được làm rõ, thì nhìn bó rau khó có thể mà biết được sạch hay bẩn.

Nguyên Lê

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/ngam-ngui-cho-dan-minh-129546.html