Ngắm hiện vật lịch sử đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện lưu giữ khá nhiều hiện vật đóng vai trò quan trọng và đã trở thành biểu tượng đẹp trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân Việt Nam nói chung, quân và dân Thanh Hóa nói riêng.

Trong số những tư liệu, hiện vật lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chiếc xe đạp thồ được xem là hiện vật “đặc biệt” nhất (Ảnh: Quách Tuấn).

Điện Biên Phủ - một pháo đài bất khả xâm phạm, một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Để đập tan kế hoạch của địch, Trung ương Đảng và Quân ủy đã xác định vấn đề hậu cần là một trong những khó khăn lớn nhất của chiến dịch.

Chiếc xe đạp thồ được sắp xếp ở vị trí trang trọng nhất gian trưng bày (ảnh to) và lời thú nhận của cựu Đại tá không quân Pháp Gi-Uyn-Roa (ảnh nhỏ) (Ảnh: Quách Tuấn).

Trong chiến dịch lịch sử này, Thanh Hóa được xem là hậu phương lớn cho sự toàn thắng của chiến dịch.

Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa, đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Quách Tuấn).

Với nhiệm vụ to lớn đó, tháng 8/1953, đoàn xe thồ hỏa tuyến Thanh Hóa lên đường đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 11/1953, dân công Thanh Hóa cùng ngành giao thông đã mở thông đường 41, con đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí lên Điện Biên.

Trên ghi đông xe được thiết kế thêm giá đỡ đựng các đồ dùng cá nhân được ông Trịnh Ngọc mang theo, sử dụng trong suốt chặng đường tiếp vận (Ảnh: Quách Tuấn).

Đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa bắt đầu tiến quân từ Ngã Ba Voi, thuộc địa phận TP Thanh Hóa ngày nay, đến tập kết tại Hồi Xuân, huyện Quan Hóa để biên chế và chỉnh đốn đội ngũ, phân công người khỏe và xe tốt tham gia hỏa tuyến, người trung bình tham gia trung tuyến, phụ nữ và người cao tuổi thì tham gia hậu tuyến.

Chiếc xe đạp thồ là điểm nhấn tham quan, tìm hiểu lịch sử với du khách tham quan (Ảnh: Quách Tuấn).

Từ Hồi Xuân đoàn xe thồ đi qua các địa danh suối Rút - Hòa Bình - Mộc Châu - Yên Châu - Sơn La - vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo. Trên chặng đường vận chuyển từ trạm H1 (Tuần Giáo) đến Điện Biên Phủ dài gần 80km, đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa được bố trí tới 3.000 xe

Hình ảnh phục dựng chiếc bồ nan được bà Hà Thị Dớn ở huyện Quan Hóa, Thanh Hóa – dân công gánh bộ, dùng để tiếp vận, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Quách Tuấn).

Thi đua cùng các chiến sĩ ngoài mặt trận, phong trào “thồ nhiều, đi nhanh” ngày càng lan rộng, cổ vũ mọi người phấn đấu tăng trọng lượng thồ hàng. Từ 150 đến 200kg/chuyến xe tăng lên 300kg và nhiều hơn nữa.

Đáng khâm phục là “kiện tướng xe thồ” Cao Văn Tỵ, luôn chở tới 315kg; Bùi Tín - người 2 lần vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba, đạt năng suất 320kg trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hình ảnh chiếc xe cút kít được ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, huyện Yên Định, Thanh Hóa chế tạo từ gỗ của bàn thờ, có thể chở 280kg/chuyến (Ảnh: Quách Tuấn).

Đặc biệt là “nhà vô địch xe thồ hàng” Trịnh Ngọc với kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến trên những cung đường đèo dốc cheo leo, hiểm trở.

Từ cuối năm 1953 đến tháng 3/1954, dân công Thanh Hóa đã kế tiếp nhau vận chuyển hai lần lên chiến dịch với khối lượng 2.352 tấn lương thực và 265 tấn thực phẩm. Đây là nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ của Nhà nước trong kháng chiến.

Đồ dùng của chiến sĩ, dân công sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Quách Tuấn).

Đến ngày 15/4/1954, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho Thanh Hóa cung cấp, vận chuyển tiếp tế gần 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm lên chiến dịch vào thời hạn cuối là ngày 31/5/1954.

Đang thời kỳ giáp hạt, Thanh Hóa đã huy động trong nhân dân rẽ, thu hoạch những vạt lúa chín, cung ứng cho chiến trường.

Áo trấn thủ bà Sầm Thị Lai, diễn viên đoàn văn công (Sư đoàn 304) đã từng biểu diễn phục vụ bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ và phục vụ Bác Hồ trong lễ mừng chiến thắng (bên trên). Áo trấn thủ phục chế của đồng chí Tô Vĩnh Diện, chiến sĩ Đài đoàn 357, Trung đoàn 367 sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ (bên dưới) - Ảnh: Quách Tuấn.

Để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động tới 182.124 dân công gánh bộ và 11.000 dân công xe đạp thồ chuyển tiếp.

Như vậy, tỉnh Thanh Hóa đã có tới 1.061.593 lượt người, bằng nửa số dân của tỉnh lúc bấy giờ, với 27.000.223 ngày công tham gia phục vụ chiến dịch.

Những hình ảnh tiếp lương, tải đạn, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Quách Tuấn).

Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có sự đóng góp to lớn của quân và dân Thanh Hóa.

Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ 2 vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”…

Quách Tuấn

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nguoi-co-cong/ngam-hien-vat-lich-su-dac-biet-trong-chien-dich-dien-bien-phu-20240409141353610.htm