Ngắm 'Đôi mắt Pleiku'

Tôi đến Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Biển Hồ (nhiều người còn gọi là đôi mắt Pleiku) ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, vào một ngày đầu mùa hè mát mẻ. Buổi sáng sớm khi mặt trời vừa lên, mặt hồ phẳng lặng, rộng hút tầm mắt gợi cảm giác thanh bình trong lòng du khách. Thiên nhiên nơi đây ưu đãi với bầu không khí trong lành, dịu dàng, không giống như hình dung của tôi về một cao nguyên đầy nắng và gió.

Con đường dẫn vào Biển Hồ Pleiku -Ảnh: TÚ LINH

Con đường dẫn vào Biển Hồ Pleiku -Ảnh: TÚ LINH

Phía ngoài di tích, một tấm bảng to có diện tích 2x3m giới thiệu cho du khách biết bạn đang đến một địa điểm rất đặc biệt của tỉnh Gia Lai, đó là Biển Hồ Pleiku, được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Biển Hồ được xem là biểu tượng của du lịch tỉnh Gia Lai và nằm trong quy hoạch điểm du lịch quốc gia “Khu du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ-Chư Đăng Ya” trong quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam từ năm 2020 đến 2030.

Biển Hồ nằm cách thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai khoảng 7 km theo hướng Quốc lộ 14 đi về phía tỉnh Kon Tum. Đó là một hồ nước mênh mông xanh ngắt trên cao nguyên có độ cao gần 1.000 m. Giữa lưng chừng trời, ở độ cao ấy bỗng dưng có một hồ nước rộng hơn 230 ha khiến không ít du khách trầm trồ khi đến đây. Không phải dòng thác, dòng sông cuồn cuộn chảy tạo thành, mà rất độc đáo là mặt hồ trong xanh, phẳng lặng quanh năm.

Kỳ diệu hơn nữa, phía xa xa, đỉnh núi Hàm Rồng, miệng núi lửa hàng triệu năm về trước có kích thước bằng Biển Hồ tạo nên nhiều điều rất thú vị. Biển Hồ là đôi mắt Pleiku, đôi mắt Tây nguyên, là giọt nước lơ lửng giữa tầng trời, là báu vật trời đất dành cho người Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Từ cổng di tích, con đường vào Biển Hồ dài khoảng 1 km uốn lượn, đẹp như tranh vẽ, hai bên ngút ngàn thông cao vút, xanh mát. Nơi cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá dẫn khách tham quan chiêm ngưỡng sự thơ mộng của Biển Hồ. Trước kia chỗ này là đài vọng để du khách ngắm Biển Hồ. Từ khi có thêm tượng phật Quán Thế Âm được phục dựng năm 2018, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ ngày càng nhiều hơn. Mỗi ngày có hơn hàng trăm lượt du khách đến Biển Hồ ngắm cảnh và chiêm ngưỡng tượng Phật.

Nếu đi bộ ngắm cảnh thì du khách cứ việc thong dong, muốn đi xe điện mua vé 10 nghìn đồng mỗi người. Chỉ khoảng hơn 2 phút đi xe điện, du khách đến được điểm chụp hình ưa thích. Đó là một góc Biển Hồ về phía Tây - Nam, xa xa phía bên kia hồ có gắn hàng chữ lên núi: Biển Hồ Pleiku.

Chụp xong ảnh, du khách chầm chậm đi bộ vài phút ngắm thêm một vài cảnh vật ở đây và tiếp tục lên xe điện để trở lại cổng di tích, mỗi người lại trả thêm 10 nghìn đồng cho xe điện. Như vậy, mỗi du khách vào thăm di tích này, ngành du lịch Gia Lai bán vé được 30 nghìn đồng. Một cách khai thác, phát huy giá trị di tích, đất nước, con người của Gia Lai rất đáng để nhiều địa phương nghiên cứu, học hỏi.

Chỉ khoảng hơn 10 phút tham quan, du khách sẽ đi hết Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Biển Hồ Pleiku. Người hướng dẫn du lịch cho biết con đường nhựa vào Biển Hồ hai bên ngút ngàn thông xanh, mặt đường nhô lên xinh xinh, tưởng tượng như hình ảnh sống mũi, biển hồ hai bên đường có làn nước trong veo như đôi mắt của thiếu nữ Pleiku. Chỉ cần có thế thôi, với tình yêu mãnh liệt dành cho mảnh đất và con người Gia Lai và Tây Nguyên, Nguyễn Cường đã sáng tác bài hát nổi tiếng “Đôi mắt Pleiku” làm nức lòng biết bao người.

“Em đẹp thế Pleiku ơi/Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/Đôi mắt Pleiku biển hồ đầy”. Sau này Nguyễn Cường kể khi sáng tác bài hát “Đôi mắt Pleiku”, ông không chỉ viết cho một người.

Ông muốn mỗi cô gái Tây Nguyên đều có thể bắt gặp đôi mắt mình khi soi vào bài hát. Tuy nhiên, ông không thể phủ nhận ca khúc này ra đời dựa trên câu chuyện có thật về một cô gái Tây Nguyên có đôi mắt long lanh, sáng rực làm cho trái tim ông muốn “tan vỡ”.

Biển Hồ không chỉ là nơi cung cấp nước ngọt cho thành phố Pleiku mà còn là vựa cá lớn với đủ loại cá nước ngọt như cá chép, trắm, đá, trôi. Tôi rời Biển Hồ trong hình ảnh nhiều đoàn khách liên tục đến với di tích này bởi cảnh vật, câu chuyện độc đáo không nơi đâu sánh bằng.

Đến với Biển Hồ, với đất và người Gia Lai giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ mà dịu êm, tôi thêm hiểu được vì sao trái tim nhạc sĩ Nguyễn Cường lại muốn... vỡ tan.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/ngam-doi-mat-pleiku/177200.htm