Nga ủng hộ 'ông lớn năng lượng' Gazprom tăng giá khí đốt chưa từng có

Chính quyền Nga mới đây đã chấp thuận để Tập đoàn Năng lượng quốc gia Gazprom tiến hành đợt tăng giá khí đốt chưa từng có đối với khách hàng trong nước. Doanh thu bổ sung dự kiến sẽ dùng để xây dựng các đường ống mới đến Trung Quốc và Ấn Độ.

Nga ủng hộ ‘ông lớn năng lượng’ Gazprom tăng giá khí đốt chưa từng có.

Theo đó, Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) đã phê duyệt mức tăng 8% với giá khí đốt từ ngày 1/7. Theo lộ trình, sẽ tiếp tục có một đợt tăng 8% từ ngày 1/7/2025.

Việc tăng giá chỉ áp dụng cho Gazprom, được chính quyền coi là nhà cung cấp khí đốt độc quyền, không áp dụng cho các nhà sản xuất khí đốt độc lập, như Novatek. Những nhà sản xuất khí đốt độc lập ở Nga vốn không bắt buộc phải bán khí đốt theo giá cố định của Chính phủ.

Từ năm 2014 đến năm 2021, Điện Kremlin đã đồng ý mức tăng hàng năm từ 2% đến 7%, chủ yếu phù hợp với các số liệu lạm phát chính thức.

FAS cho biết Gazprom dự kiến sẽ sử dụng doanh thu bổ sung để xây dựng các đường ống mới nhằm tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn, đồng thời tài trợ cho các dự án đầu tư và bảo trì chung.

“Gã khổng lồ khí đốt” đã lỗ ròng 1.300 tỷ ruble (17,3 tỷ USD) trong nửa cuối năm 2022, Trong khi đó, tiền mặt và những khoản tài chính khác mà Gazprom có, tính tới cuối tháng 12 năm ngoái, giảm xuống 1.100 nghìn tỷ ruble (12 tỷ USD), giảm mạnh so với con số 2.000 tỷ ruble (21,9 tỷ USD) vào thời điểm ngày 1/1/2022.

Ông Mikhail Krutikhin, một đối tác của công ty tư vấn RusEnergy có trụ sở tại Moscow, cho biết khoản lỗ ròng của Gazprom trong năm nay ngày càng gia tăng do công ty cần huy động hàng tỷ USD tài chính mới để tài trợ cho đường ống xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc, được gọi là Sila Sibiri 2.

Đường ống này có công suất 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Đường ống sẽ nối trực tiếp từ các nhà máy của Gazprom ở Tây Liberia, qua Mông Cổ tới Trung Quốc. Đường ống dẫn khí đốt này sẽ đi vào hoạt động trước năm 2030.

Gazprom cũng phải đầu tư vào nâng cấp đường ống dẫn khí đốt ở Kazakhstan và Uzbekistan để hoàn thành kế hoạch đưa khí đốt Nga đến những nước này. Theo Upstream Online, có những tín hiệu từ Moscow cho thấy Gazprom cũng đang cân nhắc vận chuyển khí đốt qua Kazakhstan, Turkmenistan và Afghanistan để đưa đến Pakistan và Ấn Độ.

Hiện Gazprom chưa công bố bất kỳ kết quả tài chính nào trong năm nay. “Ông lớn khí đốt” Nga vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine, với khoảng 41 triệu m3 khí đốt trung chuyển mỗi ngày.

Gazprom cũng đang cung cấp lượng khí đốt từ 36-43 triệu m3 khí đốt mỗi ngày thông qua đường ống TurkStream qua Biển Đen. Đường ống này cung cấp khí đốt cho phía nam châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Hiện Gazprom cũng đối mặt với áp lực giá cả liên quan tới khí đốt trên thị trường giao ngay. Thêm vào đó, lượng khí đốt quá cảnh qua Ukraine đang bị đe dọa khi Moscow chuẩn bị đáp trả những nỗ lực của Ukraina nhằm thực thi phán quyết 5 tỉ USD của tòa trọng tài yêu cầu Nga để bồi thường thiệt hại cho các cơ sở sản xuất dầu khí ở Crimea khi Nga sáp nhập năm 2014.

Theo Gazprom, trước năm 2021, khoảng một nửa trong tổng doanh số bán khí đốt hàng năm 500 tỷ m3 của hãng là xuất khẩu sang châu Âu và từ đó bắt đầu giảm dần.

Tuy nhiên, trong dài hạn, doanh thu bán hàng tại châu Âu của Gazprom cao hơn khoảng 2-2,5 lần so với doanh thu từ bán khí đốt trong nước, do chênh lệch giá rất lớn giữa 2 thị trường.

Hải Đăng

Theo Upstream Online

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nga-ung-ho-ong-lon-nang-luong-gazprom-tang-gia-khi-dot-chua-tung-co-20180504224286810.htm