Nga tuyên bố sẽ nghiên cứu virus chủng mới ở Việt Nam

Nghiên cứu viên tìm hiểu mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Moscow, Nga - Ảnh: RIA Novosti/TTXVN

* Singapore tìm ra phương pháp xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2

Ngày 27/7, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga Rospotrebnadzor cho biết sẽ nghiên cứu thông tin về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 chủng mới ở Việt Nam sau khi trình tự bộ gene đầy đủ của các chủng virus gây ra dịch COVID-19 ở Đà Nẵng được công bố.

Rospotrebnadzorđồng thời khẳng định liên tục theo dõi tình hình virus corona trên thế giới. Rospotrebnadzor thông báo: "Thông tin về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 chủng mới ở Việt Nam sẽ được nghiên cứu sau khi các nhà nghiên cứu Việt Nam công bố trình tự bộ gene các chủng virus gây dịch ở Đà Nẵng".

Cùng ngày 27/7, theo phóng viên TTXVN tại Moscow, Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ sinh học Biocad của Nga, ông Dmitry Morozov, cho biết công ty có trụ sở tại St. Petersburg này đang thảo luận việc sản xuất tại Trung Quốc một loại vắcxin phòng COVID-19 tiềm năng được Viện virus học nhà nước Vector của Nga phát triển.

Trả lời phỏng vấn, ông Morozov cho hay loại vắcxin tiềm năng này - dựa trên virus gây viêm miệng mụn nước (VSV) - dự kiến được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giữa tháng 8. Vắcxin này là 1 trong 6 mẫu vắcxin mà Viện Vector đang phát triển căn cứ theo danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Biocad đang tiến tới sản xuất 4-5 triệu liều vắcxin mỗi tháng dựa trên VSV vào cuối năm nay, nếu các thử nghiệm ở giai đoạn đầu chứng minh nó an toàn và hiệu quả. Biocad có kế hoạch sản xuất trọn gói vắcxin theo quy mô công nghiệp. Ông Morozov nói: "Chúng tôi có thể làm tất cả tại các cơ sở hiện có của mình" và không cần phải mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng các mục tiêu đề ra, đồng thời Biocad đã nhận được yêu cầu mua vắcxin từ Ai Cập, Nam Phi và Thái Lan. Theo ông Morozov, Biocad đang thảo luận việc sản xuất vắcxin này tại Trung Quốc, nơi công ty có liên doanh với Shanghai Pharma.

Một cơ sở nghiên cứu nhà nước khác ở Moscow, Viện Dịch tễ học và Vi sinh học mang tên Gamaley đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng sớm loại vắcxin adenovirus tái tổ hợp vào đầu tháng này và dự kiến tiến hành thử nghiệm quy mô lớn trong tháng 8.

Theo dữ liệu của WHO, hơn 100 loại vắcxin có thể đang được phát triển nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Ít nhất 4 loại vắcxin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng giai đoạn 3, trong đó có 3 loại được phát triển ở Trung Quốc và một loại ở Anh. Theo ông Morozov, Biocad hy vọng sẽ bán với mức giá từ 10-15 USD/liều.

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 27/7, các nhà nghiên cứu tại trường Y khoa Lee Kong Chian thuộc Đại học Kỹ thuật Công nghệ Nanyang (NTU) thông báo đã tìm ra cách thức xác định một người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay virus sốt xuất huyết chỉ trong vòng 36 phút, bằng 1/4 thời gian cần thiết để các phương pháp xét nghiệm hiện tại đưa ra kết luận cho hai căn bệnh này.

Hiện nay, cách thức hiệu quả nhất để phát hiện virus SARS-CoV-2 là thông qua công nghệ phản ứng chuỗi polymerase (PCR) trong phòng thí nghiệm, vốn sử dụng một thiết bị “khuếch đại” vật liệu di truyền của virus bằng việc nhân bản nhiều lần để phát hiện ra bất kỳ một dấu vết nào của virus này.

Phương pháp như vậy cần nhiều thời gian để có thể đưa ra kết luận, một phần là do phải tiến hành tinh lọc hóa axit ribonucleic (RNA hay ARN). Cụ thể, khi một bệnh nhân được lấy mẫu kiểm tra, RNA của họ cần phải được tách ra từ mẫu gạc xét nghiệm đó để loại bỏ tất cả các chất nào có trong mẫu xét nghiệm gây cản trở hoạt động xét nghiệm PCR, chẳng hạn như chất mucin (thành phần chính của chất nhầy).

Phương pháp này cũng đòi hỏi có đầy đủ các loại hóa chất hiện đang bị thiếu hụt trên toàn thế giới và cần được thực hiện bởi các nhân viên tay nghề cao cùng với việc sử dụng các thiết bị đắt tiền.

Trong khi đó, phương pháp của các nhà nghiên cứu của NTU nói trên được gọi là phương pháp "PCR trực tiếp", sử dụng một loạt các enzyme và thuốc thử có bán trên thị trường có khả năng chống lại các chất ức chế để vượt qua những trở ngại này.

Bằng việc trộn lẫn các chất này với mẫu xét nghiệm của bệnh nhân trong một ống nghiệm, các nhà nghiên cứu của NTU có thể bỏ qua bước tinh lọc hóa RNA và thực hiện xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm trực tiếp, tạo ra được kết quả chính xác trong thời gian ngắn hơn.

Tiến sĩ Sivalingam Paramalingam Suppiah, nghiên cứu viên cao cấp trong nhóm nghiên cứu của NTU, khẳng định việc bỏ qua bước chiết xuất RNA bằng phương pháp PCR trực tiếp đã giúp tiết kiệm chi phí và tránh được vấn đề thiếu thuốc thử khi nhu cầu xét nghiệm tăng lên.

Phương pháp này cũng có thể được triển khai bên ngoài phòng thí nghiệm bằng thiết bị được gọi là máy điều nhiệt di động. Điều này có nghĩa là có khả năng phương pháp xét nghiệm này có thể được sử dụng ngay tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng bởi các nhân viên y tế tuyến đầu, thay vì phải gửi kết quả đến phòng thí nghiệm và chờ kết quả xử lý ở đó.

Trong khi đó, theo Phó Giáo sư Eric Yap, trưởng nhóm nghiên cứu trên, vẫn cần phải có thêm nghiên cứu để khẳng định xem phương pháp này có hiệu quả như thế nào trong môi trường thực tế.

Nhóm nghiên cứu của NTU đang nhắm đến việc sử dụng phương pháp trên trong xét nghiệm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại phòng thí nghiệm chẩn đoán lâm sàng của NTU.

Cũng theo Phó Giáo sư Yap, phương pháp nói trên cũng được áp dụng trong xét nghiệm virus sốt xuất huyết và cho ra kết quả chỉ trong 28 phút.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/242720/nga-tuyen-bo-se-nghien-cuu-virus-chung-moi-o-viet-nam.html