Nga tuyên bố sản xuất Su-75, có kịp tham chiến ở Ukraine?

Rostec tuyên bố bắt đầu sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình hạng nhẹ Su-75; vậy nó kịp tham chiến trên chiến trường Ukraine?

Tại buổi khai mạc triển lãm quốc phòng Dubai Airshow 2023, phái đoàn Nga được dẫn đầu bởi ông Denis Manturov, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Liên bang Nga và Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành của công ty Rostec, đã đem tới triển lãm nhiều mẫu vũ khí mới.

Trong số các vũ khí tiềm năng được Nga giới thiệu, máy bay chiến đấu tàng hình hạng nhẹ một động cơ Su-75 là khách mời bất ngờ tại Triển lãm hàng không Dubai 2023, khai mạc ngày 13/11. Gần khán đài trưng bày Su-75 và máy bay vận tải hạng nặng Il-76MD-90A (E), có rất đông đại diện Mỹ tham quan.

Cho đến gần đây, vẫn chưa rõ liệu việc Nga trưng bày một chiếc máy bay quân sự, chỉ nhằm mục đích xuất khẩu; trong khi có khả năng phải chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp, liệu có hợp lý hay không? Đầu tiên, việc sản xuất Su-75, mà Nga sẽ giới thiệu tại Dubai, phải được đảm bảo bằng các đơn đặt hàng trong nước.

Rostec thông báo, các nhà máy của họ đang bắt đầu sản xuất máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ Su-75 thế hệ thứ 5, bất kể có nhận được đơn đặt hàng nước ngoài hay không. Rõ ràng là Nga hiện coi máy bay này không chỉ là một sản phẩm thương mại.

Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà một nguyên mẫu chứ không phải một mô hình của Su-75 được Rostec trưng bày ở Dubai lần này. Nên nhớ rằng, chỉ nguyên việc ra đời của Su-75 đã tốn nhiều giấy mực của truyền thông quốc tế; nhưng tới giờ, nó vẫn chỉ là một nguyên mẫu và chưa thể bay.

Theo thông tin của Rostec, Su-75 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, sử dụng một động cơ, thuộc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên của Nga. Nó được phát triển bởi công ty Sukhoi, một phần của Tập đoàn máy bay Thống Nhất Nga.

Su-75 có ưu điểm là tàng hình trước radar của đối phương và chi phí mỗi giờ bay thấp, nhưng có thể mang theo 7 tấn vũ khí các loại; tốc độ tối đa là Mach 1,8 và tầm chiến đấu 3.000 km. Các thông số không kém gì máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 của Mỹ hiện nay.

Trong buổi giới thiệu công khai đầu tiên vào năm 2021, có thông tin cho rằng, việc sản xuất hàng loạt máy bay Su-75 sẽ bắt đầu vào năm 2026, tuy nhiên, hiện tại có vẻ như thời hạn đang bị lùi lại, khi chưa tìm được đối tác sản xuất hoặc khách hàng tiềm năng.

Ban đầu, Su-75 được phát triển như một sản phẩm hướng hoàn toàn tới thị trường xuất khẩu. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ không có nhu cầu máy bay chiến đấu một động cơ. Tuy nhiên trên thị trường thế giới, những chiếc máy bay như vậy đang có nhu cầu rất lớn.

Máy bay Su-75 có thể rẻ hơn một phần ba so với loại máy bay chiến đấu tàng hình hai động cơ, trong khi có đặc tính chiến đấu khá tốt. Ví dụ về máy bay quân sự một động cơ mà nhiều quốc gia sẵn sàng mua là chiếc F-16, bán chạy nhất thế giới của Mỹ.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã trở thành một cuộc xung đột vũ trang kéo dài, trong đó Không quân Nga cũng chịu tổn thất và cần có thêm các máy bay chiến đấu rẻ tiền, dễ sử dụng và có tính năng tàng hình. Vì vậy, máy bay Su-75 có thể sẽ được đưa vào sử dụng trước thời hạn.

Theo giới thiệu của công ty Sukhoi, máy bay Su-75 ngoài phiên bản có người lái (một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi), còn có phiên bản không người lái. Đặc biệt, Su-75 không người lái có thể phối hợp hoạt động với Su-57 có người lái, được điều khiển từ mặt đất hoặc vận hành dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Trước thực tế chiến trường, việc đưa máy bay chiến đấu tàng hình Su-75 vào Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga dường như là giải pháp tốt nhất trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên , nhiều khả năng những mẫu đầu tiên của máy bay chiến đấu này xuất hiện sớm nhất cũng phải sau năm 2025.

Trong nhiều thập niên, nền tảng lực lượng không quân chiến thuật của Không quân Nga là các loại máy bay hai động cơ đa chức năng hạng nặng và hạng trung, có tính năng siêu cơ động như Su-27, Su-30, Su-35, Su-57 và MiG-29 (MiG-35).

Hiện nay, lãnh đạo Không quân Nga vẫn tranh cãi là nên chọn máy bay hạng nhẹ nào cho lực lượng của họ, Su-75 hay MiG-35. Nhưng xét cho cùng, lực lượng Không quân Mỹ hùng mạnh như vậy, họ vẫn duy trì tỷ lệ lớn máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16 (hiện đang dần thay thế bằng F-35) trong biên chế chiến đấu.

Từ kinh nghiệm của Không quân Mỹ, cách tiếp cận máy bay chiến đấu của lãnh đạo Quân đội Nga cũng đang thay đổi và rất có thể, tiêm kích tàng hình Su-75 có thể được Bộ Quốc phòng Nga quan tâm.

Nhưng để làm được điều này, trước hết Su-75 phải cất cánh và bắt đầu bay thử nghiệm để chứng minh với quân đội Nga, rằng họ cần một loại máy bay chiến đấu như vậy và Sukhoi đã xác định, thị trường chính của Su-75 là trong nước. Hiện Sukhoi đang tự bỏ vốn ra để phát triển Su-75, mà không có sự tài trợ kinh phí của chính phủ Nga.

Tiến Minh (theo Rostec, Sina)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-tuyen-bo-san-xuat-su-75-co-kip-tham-chien-o-ukraine-1923104.html