Nga trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp: Kỳ vọng tạo ra thay đổi then chốt

Hôm nay 1/7, cử tri trên khắp nước Nga đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp. Đây được coi là thời khắc quyết định, thể hiện ý chí của người dân Nga với kỳ vọng tạo ra thay đổi then chốt, giúp quốc gia này ứng phó hiệu quả với những thách thức mới để vươn lên phát triển thịnh vượng. Nếu được sửa đổi thì Hiến pháp mới được coi là thay đổi luật lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Nga.

Cuộc trưng cầu dân ý có ý nghĩa lịch sử về sửa đổi Hiến pháp của xứ sở Bạch dương, dự kiến diễn ra vào ngày 22/4 đã phải hoãn lại do sự bùng phát bất ngờ của đại dịch Covid-19 tại nước này cũng như trên toàn thế giới.

Sự kiện trọng đại này được ấn định lại vào ngày 1/7, song các địa điểm bỏ phiếu trên toàn nước Nga đã mở cửa trước 1 tuần nhằm tránh tình trạng tụ tập đông người trong ngày bỏ phiếu chính, phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh. Bộ Lao động Nga cũng cho phép công dân nghỉ làm việc mà vẫn hưởng lương để tham gia bỏ phiếu.

Người dân bỏ phiếu sớm về đề xuất cải cách Hiến pháp tại điểm bỏ phiếu ở thành phố Vladivostok, Nga ngày 25/6/2020

Dù kết quả cuộc “tham khảo ý kiến người dân” gần như đã được báo trước nhưng Điện Kremlin vẫn muốn có một cuộc bỏ phiếu nhằm tăng thêm bề dày cho quyền lực đã hoàn toàn trong tay Tổng thống Putin từ năm 2000. Do đó, với mỗi sáng kiến sửa đổi, Tổng thống Nga Putin đề nghị trưng cầu ý dân bởi theo nhà lãnh đạo Nga việc sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga sẽ chỉ có hiệu lực nếu được người dân ủng hộ. Kêu gọi cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, đây là bản Hiến pháp hình thành nên nền tảng đời sống đất nước, cuộc sống của người dân Nga và sẽ xác định những nguyên tắc luật pháp, tư pháp chính trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ lao động cũng như các nguyên tắc hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Nếu những đề xuất sửa đổi Hiến pháp được người dân Nga ủng hộ thông qua, ông Putin 67 tuổi, người đã cầm quyền tại Nga trong hơn 2 thập kỷ qua, có thể tranh cử tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2024. Với việc trao quyền cho tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán và công tố viên hàng đầu để được Thượng viện Nga phê chuẩn, nước Nga sẽ có cơ quan lập pháp mạnh, đảm đương cả vai trò bổ nhiệm lãnh đạo cao nhất của nhánh hành pháp thay vì chỉ phê chuẩn theo đệ trình của tổng thống như hiện nay. Sự thay đổi này cũng sẽ đánh dấu một sự “kết đoàn” trở lại giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp sau những “phân chia chiến tuyến” từ thời kỳ 1993 và cũng là bối cảnh để bản Hiến pháp hiện thời ra đời...

Cùng với đó, những thay đổi về kinh tế-xã hội được qui định, gồm bảo đảm tiền lương tối thiểu không thấp hơn mức đủ sống, điều chỉnh lương hưu nhà nước phù hợp với lạm phát và phúc lợi xã hội đồng thời hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con nhỏ cũng là điểm sáng trong hiến pháp sửa đổi, dự báo sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Nga.

Trong một đánh giá nhất quán trong giới quan sát Nga, việc không có bất kỳ đại biểu nào tại Duma Quốc gia bỏ phiếu phản đối dự luật về sửa đổi Hiến pháp cho thấy tầm quan trọng và sự kịp thời của những sửa đổi mà Tổng thống và Quốc hội đề xuất đối với đạo luật cơ bản của đất nước. Đề xuất sửa đổi hiến pháp của Tổng thống Putin được coi là tầm nhìn chiến lược khi sẽ thay đổi diện mạo cả hệ thống chính trị của đất nước, tạo ra một nền tảng mới về chất cho quá trình phát triển không chỉ trong vài năm tới, mà cho cả một giai đoạn dài tiếp sau. Đề xuất thực chất đã thay đổi cơ cấu nền tảng của chính quyền hành pháp, biến Liên bang Nga từ một nước cộng hòa “siêu tổng thống” từ năm 1993 thành nước cộng hòa tổng thống-nghị viện, với cơ quan lập pháp mang tính đại diện và thực hiện đầy đủ vai trò đại diện, với đội ngũ lãnh đạo địa phương đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, có năng lực quản lý hiện đại, với hai nhánh chính quyền hành pháp và lập pháp có liên hệ chặt chẽ, bảo đảm cho chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/nga-trung-cau-dan-y-ve-sua-doi-hien-phap-ky-vong-tao-ra-thay-doi-then-chot-80565.html