Nga sẽ không điều tra vụ rơi máy bay khiến ông Prigozhin thiệt mạng

Cơ quan điều tra hàng không của Brazil cho biết, chính phủ Nga thông báo với cơ quan này rằng sẽ không điều tra vụ rơi máy bay khiến ông Prigozhin thiệt mạng.

Cảnh sát túc trực tại một trạm kiểm soát gần hiện trường vụ tai nạn liên quan tới lãnh đạo tổ chức Wagner ông Yevgeny Prigozhin ở vùng Tver, Nga ngày 24/8/2023. Ảnh: REUTERS/Anton Vaganov/Ảnh tài liệu.

Ông Prigozhin, hai trung úy cấp cao của Tổ chức Wagner và bốn vệ sĩ đã có tên trong số mười người thiệt mạng khi máy bay Embraer Legacy 600 bị rơi tại phía Bắc Moscow trong tuần vừa rồi.

Trung tâm Nghiên cứu và Phòng chống Tai nạn Hàng không CENIPA của Brazil cho biết sẽ tham gia cuộc điều tra do Nga tổ chức nếu như nhận được lời mời và nếu cuộc điều tra được thực hiện theo luật pháp quốc tế.

Cơ quan hàng không Nga không bắt buộc phải chấp nhận theo CENIPA, tuy nhiên một số nhà điều tra cho biết, họ nên làm vậy vì chính phủ Mỹ và các nước phương Tây nghi ngờ điện Kremlin đứng đằng sau vụ rơi máy bay Embraer Legacy 600 trong ngày 23/8, một máy bay có tiền sử về an toàn hàng không rất tốt.

Điện Kremlin bác bỏ các cáo buộc có liên quan tới vụ tai nạn này. Ông Prigozhin đã có nhiều quan điểm chỉ trích về phương pháp thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Theo Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế của Liên Hợp Quốc ở Montreal (ICAO), chuyến bay từ Moscow tới St. Petersburg là một chuyến bay nội địa, vì vậy cuộc điều tra này không bị bắt buộc phải chấp hành theo bộ luật quốc tế được biết đến trong ngành với tên “Phụ lục 13”.

Không nhất thiết phải thực hiện đúng luật pháp quốc tế

Giám đốc CENIPA, Thiếu tướng Không quân Marcelo Moreno cho biết: “Họ không bị bắt buộc phải làm theo luật quốc tế, chỉ là được khuyến khích nên làm như vậy”.

“Tuy nhiên, nếu họ khẳng định sẽ tổ chức điều tra và gửi lời mời tới Brazil, chúng tôi sẽ tham gia điều tra từ xa”.

Cố vấn an toàn hàng không và cựu điều tra viên người Mỹ John Cox cho biết, một cuộc điều tra nội bộ của Nga chắc chắn sẽ bị hoài nghi nếu không có sự tham gia của Brazil, quốc gia đã sản xuất máy bay trong vụ va chạm.

Khi được biết về phản hồi từ Nga, ông Cox cho biết: “Tôi nghĩ thật đáng buồn. Tôi nghĩ rằng quyết định này sẽ làm tổn hại cho tính minh bạch trong cuộc điều tra của Nga”.

CENIPA cho biết, trong thứ Ba, họ đã nhận được phản hồi từ Ủy ban Hàng không Liên bang - Ủy ban Điều tra Tai nạn (IAC), và chính quyền Nga cho biết, trong thời điểm hiện tại họ sẽ không tổ chức một cuộc điều tra.

Trong các cuộc điều tra va chạm máy bay, các chuyên gia làm việc nhằm cải thiện an toàn hàng không thay vì định tội.

CENIPA và nhà sản xuất máy bay Embraer muốn đề phòng tai nạn ở tương lai nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin từ cuộc điều tra, vì các lệnh cấm được áp dụng với Nga cũng như lo ngại về việc cho phép các nước khác xem xét kỹ lưỡng về vụ tai nạn.

Embraer đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Jeff Guzzetti, một cựu điều tra viên về tai nạn hàng không của Mỹ khẳng định, Nga nên chấp nhận sự trợ giúp từ Brazil, ngay cả khi CENIPA chỉ có thể tham gia điều tra từ xa.

“Nếu như họ không làm vậy thì đó sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc điều tra này không minh bạch”.

Lấy tên từ một phụ lục của Công ước về Hàng không Dân sự Quốc tế - thường được biết với tên Công ước Chicago 1944 - bộ luật quốc tế này mang lại phương pháp hợp tác quốc tế kín kẽ nhưng hiệu quả và cho tới nay rất ít khi nhận được phản đối.

Các quan chức về an toàn hàng không cho biết, bằng cách đề ra hợp tác đặc biệt chặt chẽ về mặt kỹ thuật vượt qua các rào cản về chính trị và tránh xa những vấn đề về đổ lỗi, "Phụ lục 13" được ghi nhận đã cải thiện an toàn hàng không một cách đáng kể.

Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nga-se-khong-dieu-tra-vu-roi-may-bay-khien-ong-prigozhin-thiet-mang-a624132.html