Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, an ninh lương thực toàn cầu bấp bênh hơn

Vụ tấn công nhằm vào cầu Crimea xảy ra cùng ngày với thời điểm Sáng kiến Ngũ cốc Biển đen chính thức hết hạn. Ngay lập tức, Mát-x-cơ-va tuyên bố ngừng tham gia vào thỏa thuận. Trong 1 năm qua, thỏa thuận này đã cho phép Ukraine xuất khẩu hơn 30 triệu tấn ngũ cốc và các thực phẩm khác ra thế giới, thông qua một hành lang vận chuyển an toàn ở Biển Đen. Qua đó giúp hạ nhiệt khủng hoảng lương thực toàn cầu. Với triển vọng gia hạn rất mong manh, tương lai của thỏa thuận ngũ cốc sẽ ra sao? Đây đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Con tàu treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ này là chuyến tàu cuối cùng rời Ukraine theo thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Song song với việc rút khỏi thỏa thuận, Nga cũng sẽ dừng đảm bảo an ninh cho các chuyến tàu ngũ cốc đi qua biển Đen, đồng thời thu hẹp hành lang nhân đạo trên biển.

Trước khi Nga rút lui khỏi thảo thuận, sáng kiến Ngũ gốc Biển Đen ít nhiều đã bị đình trệ, khi số lượng các lô hàng được xuất khẩu sụt giảm. Tuy nhiên, vẫn có không ít lo ngại rằng việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ gốc sẽ đẩy giá lương thực lên cao, khi nguồn cung từ Ukraine bị cắt đứt.

KẾ HOẠCH B CỦA UKRAINE

Theo Trang Politico, Ukraine đã chuẩn bị sẵn 1 kế hoạch dự phòng để xuất khẩu ngũ cốc mà không cần đến thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen. Một phần trong kế hoạch này là chuyển hướng vận chuyển ngũ cốc bằng đường thủy, qua sông Danube.

Trước khi xung đột nổ ra, mỗi tháng, có vài trăm nghìn tấn ngũ cốc được Ukraine xuất khẩu qua tuyến đường này. Năm ngoái, lượng ngũ cốc xuất khẩu bằng đường thủy tăng lên 2 triệu tấn và theo Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine, con số này có khả năng tăng gấp đôi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nông dân Ukraine sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ, khi chi phí vận chuyển có thể sẽ tăng lên đáng kể.

Trong phát biểu mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho rằng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen phải được duy trì và có thể vận hành mà không có sự tham gia của Nga.

Trong khi đó, Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi các bên liên quan quay lại đối thoại để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc.

Về phía Nga, nước này để ngỏ khả năng nối lại thỏa thuận, nhưng với điều kiện phương Tây phải thực hiện cam kết, loại bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nga-rut-khoi-thoa-thuan-ngu-coc-an-ninh-luong-thuc-toan-cau-bap-benh-hon-183210.htm