Nga nghi ngờ Navalny là đặc vụ của Mỹ

Bộ Ngoại giao Nga lên án việc Mỹ chỉ trích Moscow cấm hoạt động của tổ chức do Navalny sáng lập.

Hôm 10/6, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga, bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga đã đề cập đến chỉ trích trước đó của Bộ Ngoại giao Mỹ khi Moscow bắt đầu cấm mạng lưới của nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny được hoạt động ở Nga.

Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny.

Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny.

Theo đó, bà Zakharova cho rằng Mỹ và nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny có mối liên hệ chính trị. Điều này càng được thể hiện khi với mỗi động thái kiểm soát của Nga về Navalny thì phía Mỹ đều nhanh chóng phản ứng.

Một tòa án ở thủ đô Moscow Nga ngày 9/6 phán quyết các văn phòng thuộc mạng lưới chống tham nhũng tự phong FBK của nhân vật đối lập Navalny là cực đoan và cấm mạng lưới này tiếp tục hoạt động tại Nga, RT đưa tin. FBK, mạng lưới các văn phòng của tổ chức này và Tổ chức Bảo vệ Quyền công dân của ông cũng bị cho là cực đoan. Những giới hạn này bao gồm lệnh cấm đăng tài liệu trực tuyến, cũng như cấm tổ chức các cuộc mít tinh và tham gia bầu cử.

Các hạn chế này vốn tạm thời kể từ ngày 10/6 sẽ được thực hiện vĩnh viễn, điều này cũng có nghĩa là các nhóm không thể sử dụng tài khoản ngân hàng nữa, ngoại trừ việc thanh toán tiền phạt và thuế.

Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày lập tức lên án bước đi trên của Nga, cho đây là hành động "đặc biệt đáng quan ngại".

Bà Zakharova đã đặt câu hỏi: "Các bạn đã từng thấy phản ứng tức thời từ Bộ Ngoại giao Mỹ đối với một quyết định nội bộ ở một quốc gia khác như vậy chưa? Điều đó có nghĩa là họ có liên quan về mặt chính trị".

"Họ thể hiện sự sốt sắng như vậy là vì nó đụng chạm tới người mà họ giám hộ, người mà họ ủng hộ về mặt chính trị" - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.

Một đạo luật được thông qua gần đây cho thấy, bất kỳ ai “tham gia vào các hoạt động” của các nhóm này sẽ bị cấm được bầu vào bất kỳ vị trí chính phủ nào.

Theo văn phòng công tố, ba tổ chức này có trách nhiệm cố gắng tạo điều kiện để gây bất ổn tình hình chính trị xã hội của đất nước, với mục đích “thay đổi nền tảng của trật tự hiến pháp” và thậm chí tạo ra một “cuộc cách mạng màu” do phương Tây hậu thuẫn.

Ngoài ra, văn phòng công tố cho biết các nhóm này thực hiện công việc thay mặt cho các tổ chức nước ngoài và quốc tế.

Ông Navalny trở thành tâm điểm của tranh cãi giữa Nga và phương Tây sau vụ nhân vật này bất tỉnh trên máy bay hồi tháng 8/2020. Phương Tây quả quyết ông Navalny bị đầu độc và ra quyết định trừng phạt Nga, bất chấp lời kêu gọi cung cấp bằng chứng của Moscow.

Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tiết lộ ông Navalny đã bị lực lượng an ninh để mắt từ lâu do "nhận được sự trợ giúp từ các lực lượng đặc biệt Mỹ".

Trước phản ứng từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phản đối. Trong tuyên bố đại diện cho 27 nước thành viên EU, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng, đây là một quyết định vô căn cứ.

Ông nói: "Phán quyết của Tòa án Moscow coi các tổ chức của ông Alexei Navalny như ‘các nhóm cực đoan’ là động thái nghiêm trọng nhất từ trước tới nay của chính phủ Nga nhằm trấn áp các nhân vật đối lập chính trị độc lập".

Nhân vật đối lập Navalny đã ngay lập tức tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động chống đối, trong khi Quỹ chống tham nhũng (FBK) của ông này cũng khẳng định "sẽ tiếp tục chiến đấu chống tham nhũng".

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-nghi-ngo-navalny-la-dac-vu-cua-my-3433686/