Nga ném bom gấp 16 lần, liệu có thay đổi cục diện chiến trường?

Số lượng bom có điều khiển chính xác của Nga sử dụng ở chiến trường Ukraine đã tăng gấp 16 lần, vậy yếu tố này có làm thay đổi cục diện cuộc chiến trong năm 2024 theo hướng có lợi cho Nga?

Ngày 19/3, Trung tướng Ivan Gavrilyuk, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Ukraine, khi trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, hiện Quân đội Nga có lợi thế về hỏa lực mạnh, tỷ lệ giữa Nga và Ukraine trên chiến trường cao đến mức không thể tin được, tới 7: 1, nghiêng về phía Nga.

Trung tướng Gavrilyuk cho rằng, thay đổi lớn nhất của Quân đội Nga là sức mạnh ném bom của lực lượng không quân chiến thuật tăng đột ngột; giúp cho cuộc tấn công của lực lượng mặt đất diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều, đẩy Quân đội Ukraine vào thế khó chống đỡ.

Trung tướng Gavrilyuk cũng cho biết, trong 78 ngay từ đầu năm 2024 đến nay, máy bay chiến đấu của Không quân Nga đã thả tổng cộng hơn 3.500 quả bom vào các vị trí của Quân đội Ukraine; trung bình mỗi ngày có 45 quả bom được thả xuống, tăng 16 lần so với năm 2023.

Loại bom thông minh mà Không quân Nga thả xuống, chủ yếu là bom thường FAB, nhưng được cải tiến với mô-đun dẫn đường bay UMPK, nếu những quả bom FAB gắn mô-đun UMPK này được sử dụng trên chiến trường với số lượng lớn từ hai năm trước, thì tình hình rõ ràng sẽ không bế tắc như vậy.

Ví dụ điển hình nhất là chiến dịch tấn công pháo đài Avdiivka, các vị trí phòng ngự kiên cố của Ukraine được xây dựng suốt 8 năm, nhưng bị Không quân Nga thả 200 quả bom dẫn đường trong 2 ngày, khiến lực lượng phòng thủ Ukraine nhanh chóng sụp đổ.

Còn trong chiến dịch tấn công thành phố Bakhmut vào đầu năm ngoái, tuy Quân đội Ukraine chỉ biến các tòa nhà thành các trận địa phòng thủ, nhưng Quân đội Nga đã phải dùng hàng trăm nghìn quả đạn pháo mới có thể giành chiến thắng trong trận chiến tay đôi.

Tên đầy đủ của mô-đun UMPK là "mô-đun lập kế hoạch và điều chỉnh phổ quát", còn được gọi là "phiên bản JDAM của Nga". Nga sử dụng mô-đun UMPK để biến bom thường thành bom thông minh với số lượng lớn, với nhiều loại khác nhau, bao gồm FAB-500, FAB-1000 và bây giờ là loại FAB-3000.

Mô-đun UMPK bao gồm một số bộ phận như pin nguồn, hệ thống dẫn đường quán tính (INS), hệ thống hiệu chỉnh sai số vệ tinh GLONASS, ăng-ten thu tín hiệu vệ tinh, hệ thống lái và cánh nâng… Nó thực chất là một tàu lượn nhỏ, có thể được điều khiển tự động tới mục tiêu có tọa độ, được nạp sẵn vào bộ nhớ.

Khi quả bom rời máy bay, cánh lượn được bung ra, giúp bom có thể thả cách mục tiêu từ 30 đến 80 km; trong quá trình bay, hệ thống INS sẽ lái bom bay tới mục tiêu. Tuy nhiên hệ thống INS có sai số, do vậy hệ thống GLONASS sẽ hiệu chỉnh sai số của INS, giúp bom bay chính xác tới mục tiêu.

Nếu đối phương sử dụng chế áp điện tử, không cho mô-đun UMPK nhận tín hiệu vệ tinh, thì bom vẫn còn hệ thống INS dẫn đường, nhưng tỷ lệ trúng đích không cao. Theo phía Nga, mức độ chính xác của bom sử dụng mô-đun UMPK, khi không bị gây nhiễu là từ 8 đến 15 mét.

Mô-đun UMPK "Sao chổi" của Nga đã trở thành thiết bị dẫn đường vệ tinh phổ quát và được sử dụng rộng rãi trong bom hàng không, tên lửa đạn đạo Iskander M, tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa dẫn đường phóng từ pháo phản lực Tornado 300mm. Mô-đun "Sao chổi" có thể hoạt động hiệu quả trong môi trường tín hiệu nhiễu, có cường độ gấp 100.000 lần.

Do mảng ăng-ten có thể cung cấp khả năng định hướng cao, nên đối phương khó có thể can thiệp hiệu quả. Để gây nhiễu mô-đun “Sao chổi”, đối phương cần phối hợp và thiết lập nhiều nguồn gây nhiễu trong không gian liên tục; nhưng điều này khó đạt được trong thực tế.

Quân đội Ukraine đã thu được bộ dẫn đường UMPK còn sót lại của bom Nga lần đầu tiên vào tháng 5/2023. Sau khi nghiên cứu, tổ chức CAR của Ukraine cho biết, mô-đun định vị vệ tinh "Sao chổi" được tích hợp trong bộ UMPK, sử dụng một số lượng lớn chip dân dụng, có thể mua trên thị trường mở.

Trong hai năm qua, Không quân Nga về cơ bản đã “lãng phí ưu thế trên không” mà họ có, do thiếu bom dẫn đường giá rẻ thả từ bên ngoài khu vực phòng không của đối phương; do vậy máy bay chiến đấu của Không quân Nga buộc phải sử dụng bom thường, việc này nguy hiểm và thiếu chính xác.

Phải đến nửa cuối năm ngoái, Không quân Nga mới tìm ra “bảo bối”, đó chính là bom dẫn đường bằng mô-đun UMPK; do vậy đã tận dụng được kho bom khổng lồ từ thời Liên Xô, đồng thời tăng sản lượng sản xuất. Với bom dẫn đường bằng mô-đun UMPK, Không quân Nga bùng nổ sức mạnh khủng khiếp, quét sạch mọi công sự của Quân đội Ukraine.

Chúng ta có thể so sánh, trong cuộc xung đột Hamas-Israel đang diễn ra, Israel đã thả 7.000 tấn bom xuống khu vực Dải Gaza của Palestine. Chỉ riêng trong tháng đầu tiên của cuộc chiến năm ngoái, Israel đã thả tới 3.500 tấn bom xuống dải đất chỉ vẻn vẹn có 350 km vuông này.

Bom lượn dẫn đường bằng mô-đun UMPK cải tiến của Quân đội Nga đã cung cấp cho nhiều loại máy bay chiến thuật của Nga phương pháp tấn công tầm xa mới và có sức hủy diệt cao hơn, cho phép phi công Nga tránh xa khu vực sát thương của lực lượng phòng không Ukraine.

Nếu Quân đội Nga có bom dẫn đường bằng mô-đun UMPK cỡ lớn và rẻ tiền từ hai năm trước đó, thì chiến tranh có lẽ đã kết thúc. Bom dẫn đường bằng mô-đun UMPK hiện trở thành vấn đề đau đầu của Quân đội Ukraine trên tiền tuyến.

Hiện tại, Quân đội Ukraine đang triển khai một số hệ thống tên lửa phòng không tầm xa như Patriot về phía trước trên quy mô nhỏ, để phục kích tấn công máy bay tiêm kích bom Su-34 thả bom dẫn đường chính xác bên ngoài khu vực phòng không dã chiến của Ukraine.

Nhưng hệ quả là sự an toàn của lực lượng phòng không Ukraine, khi áp sát tiền tuyến đã trở thành vấn đề lớn. Trong những ngày gần đây, nhiều hệ thống tên lửa phòng không Patriot đã bị Quân đội Nga phá hủy.

Diễn biến kịch tính của xung đột Nga-Ukraine đã cho chúng ta một phát hiện quan trọng, đó là bom dẫn đường chính xác được cải tiến bằng bộ dẫn đường vệ tinh là vô cùng quan trọng, số lượng phải nhiều và giá cả phải rẻ.

Từ góc độ hiệu quả tấn công, tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa đạn đạo tất nhiên rất mạnh và hiểm, nhưng chi phí quá đắt. Nếu Quân đội Nga có thể tiếp tục khống chế được lực lượng phòng không tầm xa của Ukraine, để sử dụng bom thông minh với số lượng lớn, có thể thế bế tắc chiến trường sẽ bị phá vỡ trong năm 2024 (Nguồn ảnh: Topwar, Sputnik, CNN).

Tiến Minh (Theo Sina, CNN)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-nem-bom-gap-16-lan-lieu-co-thay-doi-cuc-dien-chien-truong-1971530.html