Nga mở 'chiến dịch' kinh tế tiến về phía Nam, tính kế rời xa phương Tây mãi mãi

Từng phụ thuộc vào châu Âu về thương mại, Nga đã và đang tạo dựng các tuyến đường mới cho phép nước này tránh được các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Một tuyến đường sắt được lên kế hoạch xuyên qua Iran có thể là chìa khóa cho những tham vọng đó.

Nga mở ‘chiến dịch’ kinh tế về phía Nam, tính kế rời xa phương Tây mãi mãi. Trong ảnh: Một nhà ga hải quan gần Gyumri, Armenia tràn ngập ô tô. (Nguồn: Nytimes)

Kế hoạch rời xa phương Tây

Trong nhiều thế kỷ, thương mại với châu Âu là trụ cột chính của nền kinh tế Nga.

Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine đã kết thúc điều đó, với hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây lên nền kinh tế và các hạn chế khác, ngày càng khiến Nga bị loại khỏi thị trường châu Âu.

Để bù lại những mất mát, Moscow đã mở rộng quan hệ với các quốc gia sẵn sàng hợp tác kinh doanh hơn - Trung Quốc ở phía Đông; Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư thông qua tuyến đường phía Nam.

Tuyến đường phía Nam đó giờ đây đã trở thành tâm điểm của các nhà hoạch định chính sách Nga, khi họ cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng cho kế hoạch rời xa phương Tây mãi mãi. Dù nỗ lực này hiện phải đối mặt với không ít thách thức, bao gồm các vấn đề về tài chính, nghi ngờ về độ tin cậy của các đối tác mới và mối đe dọa trừng phạt của phương Tây nhắm vào các quốc gia giao thương với Nga.

Một phần quan trọng của kế hoạch tiến về phía Nam là tuyến đường sắt dài 100 dặm trị giá 1,7 tỷ USD sẽ bắt đầu xây dựng trong năm nay - đây sẽ là tuyến đường cuối cùng trên tuyến đường nối Nga với các cảng Iran trên Vịnh Ba Tư - giúp dễ dàng tiếp cận các điểm đến như Mumbai - Thủ đô thương mại của Ấn Độ. Nga đã đồng ý cho Iran vay 1,4 tỷ USD để tài trợ cho dự án.

Rauf Agamirzayev, một chuyên gia về vận tải và hậu cần có trụ sở tại Baku, Azerbaijan, nhận định: “Vì các tuyến thương mại truyền thống của Nga phần lớn bị chặn nên nước này phải xem xét các lựa chọn khác”.

Nga đã tìm ra nhiều cách để lách các hạn chế thương mại của phương Tây, nhập khẩu từ Ấn Độ, Iran, các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ, những thứ được đánh giá là cần thiết, như máy móc, vũ khí, cũng như các loại hàng hóa tiêu dùng mà chính phủ coi là quan trọng để người dân thấy rằng họ vẫn duy trì cuộc sống bình thường trong thời gian diễn ra xung đột quân sự.

Trong khi một số mặt hàng tiêu dùng vẫn được nhập khẩu hợp pháp từ châu Âu, thì một loạt các mặt hàng khác bị hạn chế hoặc rất khó mua vẫn được bày bán rộng rãi ở Nga. Hàu từ Pháp luôn có sẵn tại một nhà hàng ở Moscow, được đưa đến bằng máy bay và phải đi đường vòng ở một địa điểm thứ ba nào đó. Nấm Italy và rượu champagne Pháp - loại bị EU cấm xuất khẩu, vẫn có thể được tìm thấy tại một chuỗi cửa hàng tạp hóa cao cấp.

Dự án mang tính “cách mạng”

Điện Kremlin coi dự án đường sắt xuyên Iran - và một tuyến đường khác mà họ hy vọng sẽ được khôi phục, có thể tiếp cận Thổ Nhĩ Kỳ - cần thiết để “điều tiết” dòng chảy của tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Những con đường huyết mạch này cũng rất quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên – yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tuyến đường mới sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ St. Petersburg đi Mumbai xuống chỉ còn 10 ngày, thay vì 30 đến 45 ngày như hiện nay. Các quan chức Nga gọi đây là “dự án mang tính cách mạng đột phá” sẽ cạnh tranh với kênh đào Suez.

Nó cũng sẽ bổ sung cho các tuyến thương mại của Nga tới Trung Quốc - hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Theo số liệu của Trung Quốc, tính từ năm 2021, ngay trước cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, thương mại của Nga với Trung Quốc đã tăng vọt khoảng 63%, lên hơn 240 tỷ USD vào năm 2023.

Thương mại của Nga cũng tăng mạnh với Ấn Độ, đạt 65 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với năm 2021. Thương mại giữa Nga với cả hai nước Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2023 đã vượt qua thương mại với Liên minh châu Âu trước xung đột Nga-Ukraine, đạt 282 tỷ USD vào năm 2021.

Tuyến đường sắt mới sẽ nối hai thành phố của Iran là Astara và Rasht, kết nối các tuyến đường sắt giữa Iran và Azerbaijan ở phía Bắc, sau đó liên thông với mạng lưới đường sắt của Nga. Tuyến đường liên kết mới này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028 – khi đó, “Hành lang vận tải Bắc-Nam” sẽ kéo dài không gián đoạn trong hơn 4.300 dặm và nằm ngoài tầm trừng phạt của phương Tây.

Từ các cơ sở của Iran trên Vịnh Ba Tư, các thương nhân Nga sẽ dễ dàng tiếp cận Ấn Độ, cũng như các điểm đến như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Pakistan và hơn thế nữa.

Theo chuyên gia Lloyds List, chuyên về tin tức và tình báo hàng hải, tuyến đường thương mại qua vùng Kavkaz và Trung Á, cũng như qua Biển Caspian tới Iran đã trở thành một tuyến đường quan trọng đối với Nga trong những tháng gần đây. Nga cũng đã vận chuyển dầu và các sản phẩm như than cốc và phân bón theo chiều ngược lại.

Gagik Aghajanyan, CEO của Apaven - Công ty giao nhận vận tải lớn nhất ở Armenia, cho biết, đội xe tải của ông thường nhận vô số hàng tiêu dùng, được vận chuyển bằng đường sắt từ các cảng ở Georgia trên Biển Đen, rồi sau đó chuyển chúng về phía Bắc qua biên giới đất liền tới Nga.

“Những hàng hóa khác nhạy cảm hơn hoặc nằm trong danh sách bị trừng phạt của các nước phương Tây, có thể được vận chuyển qua Iran - quốc gia có chung đường biên giới với Armenia. Từ các cảng của Iran, hàng hóa có thể đến Nga qua biển Caspian”, ông nói Gagik tiết lộ.

Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế của Nga Andrei R. Belousov cho biết, vào năm 2023, khối lượng thương mại trên tuyến đường này đã tăng 38% so với năm 2021 và có thể tăng gấp ba lần vào năm 2030.

Giải pháp tình thế

Ngoài tuyến đường đi qua Iran, Nga cũng muốn khôi phục tuyến đường sắt cũ của Liên Xô nối Moscow với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ qua Armenia và vùng đất Nakhichevan của Azerbaijan. Tuyến đường sắt từng bị bỏ hoang vào đầu những năm 1990 khi chiến tranh nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan. Nga hy vọng sẽ đưa tuyến đường sắt vào hoạt động trong vòng vài năm tới, nhưng dự án này đang vướng vào tình hình địa chính trị phức tạp của khu vực.

Hiện tại, nhà ga xe lửa ở thị trấn Meghri vẫn là di tích của quá khứ Xô Viết, các căn phòng chứa đầy bản đồ đường sắt cũ và vé được giấu dưới lớp lá khô và bụi.

Trong khi đó, Nikita Smagin - chuyên gia về chính sách của Nga ở Trung Đông tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, cho biết: “Nga có thể có một tuyến đường sắt đến Vịnh Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ có thể làm điều đó khá nhanh, chỉ trong tối đa hai năm”.

Ông Rovshan Rustamov, người đứng đầu công ty đường sắt Azerbaijan, cho biết một phần dự án của Azerbaijan sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2024. Đến khi đó, dịch vụ logistics thậm chí có thể thay thế dầu mỏ để trở thành động lực lớn nhất của nền kinh tế Azerbaijan.

Azerbaijan cũng hy vọng, cảng Baku có thể thu lợi từ “vị trí mới” của đất nước, như một trung tâm chiến lược vận chuyển hàng hóa giữa Nga và thế giới bên ngoài - cũng như giữa châu Á và châu Âu, nếu không qua Nga.

Sau khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu tại Ukraine, chính quyền ở Baku đã xúc tiến kế hoạch phát triển giai đoạn thứ hai của cảng nhằm đáp ứng với sự gia tăng lưu lượng hàng hóa dự kiến.

Theo như Tổng giám đốc Cảng Baku Taleh Ziyadov cho biết, kết quả nghiên cứu khả thi mới nhất của họ cho thấy, Azerbaijan cần gấp rút hoàn thành dự án này, có thể là trong năm 2024

Tuy nhiên, khi các quan chức Nga ca ngợi các tuyến thương mại mới, một số lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra chưa chắc chắn, một số vẫn cho đây là giải pháp tình thế, buộc phải làm, hơn là giải pháp tối ưu. Chẳng hạn, Ram Ben Tzion, chủ sở hữu công ty Publican thẳng thắn cho rằng, về bản chất, những gì đang được tạo ra là một tuyến đường thương mại dành cho những người “cùng khổ”, bởi họ buộc phải tránh các hạn chế thương mại.

(theo Nytimes)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-mo-chien-dich-kinh-te-tien-ve-phia-nam-tinh-ke-roi-xa-phuong-tay-mai-mai-264287.html