Nga mang hải pháo 80 năm tuổi tới chiến trường Ukraine

Lực lượng lính tình nguyện Nga đã phải sử dụng pháo hải quân 25 mm được phát triển từ thập niên 1940, gắn lên xe bọc thép MT-LB của Liên Xô, làm vũ khí trợ chiến.

Những hình ảnh tiết lộ sự cải tiến vũ khí độc đáo trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Theo tờ Defence One, một trang Telegram thân Nga đã chia sẻ những bức ảnh về chiếc xe bọc thép đa năng MT-LB của Liên Xô (hiện có cả trong trang bị quân đội Nga và Ukraine), được trang bị pháo hải quân 25 mm 2M-3.

Theo trang Military Informant, cách bố trí vũ khí đặc biệt này đã được nhìn thấy ở mặt trận Avdiivka thuộc tỉnh Donetsk của Ukraine trong thời gian gần đây. Khẩu “pháo tự hành” 25mm này, được cho là thuộc về lực lượng quân tình nguyện của Nga (phương Tây gọi là lính đánh thuê), có phiên hiệu là Lữ đoàn tấn công đặc nhiệm độc lập 60 (SSAB).

Có vẻ như khẩu phải hải quân từ thời Liên Xô, được đưa lên trên chiếc xe bọc thép MT-LB có thể là loại pháo 25 mm/79 2M-3 (cỡ nòng 23mm, chiều dài nòng pháo bằng 79 lần đường kính đạn). Theo phán đoán của trang Telegram đăng ảnh, nó cũng có thể là bản nâng cấp 2M-3M.

Pháo hải quân 25 mm/79 2M-3M sử dụng cơ chế tiếp đạn bằng dây, với hộp tiếp đạn 65 viên. Phiên bản ban đầu (2M-3) được nạp đạn bằng kẹp 7 viên. Sau đó ở phiên bản 2M-3M, mới cải tiến tiếp đạn bằng dây, cho tốc độ bắn nhanh hơn, mật độ hỏa lực dày hơn.

Trên phiên bản 2M-3M, không chỉ cải tiến tiếp việc tiếp đạn từ kẹp đạn sang dây đạn, còn sử dụng cơ chế lùi nòng khi bắn để lên đạn lại, giúp tăng tốc độ bắn lên 470-480 phát/phút; nòng pháo cũng được làm mát bằng nước (phiên bản 2M-3M làm mát bằng không khí), giúp tăng tốc độ bắn và độ chính xác.

Về lịch sử phát triển của pháo hải quân 2M-3; đây là loại pháo được hải quân Liên Xô phát triển từ năm 1945 đến năm 1949, trên cơ sở pháo tự động 25 mm KM-84 trước đó. Việc sản xuất pháo 2M-3 và 2M-8 bắt đầu vào năm 1953 và kéo dài cho đến năm 1984, chủ yếu ở Liên Xô.

7Pháo tự động 25 mm 2M-3 chỉ trang bị cho các tàu của hải quân Liên Xô, không thấy trang bị trên máy bay hoặc xuất hiện trên các phương tiện chiến đấu trên bộ. Pháo chủ yếu để vũ trang cho các tàu vận tải quân sự và tàu chiến đấu nhỏ hoặc tàu ngầm.

Thiết kế của pháo 2M-3 không được bọc giáp kín hoàn toàn và trông có phần đơn giản; hệ thống điều khiển chính là bằng thủy lực, nhưng cũng có thể điều khiển bằng tay khi cần thiết. Trọng lượng pháo nặng 1.500kg.

Tháp pháo của 2M-3 chứa hai khẩu pháo tự động 25mm 110 PM, được bố trí theo kiểu “trên-dưới” ở chính giữa, chứ không phải theo kiểu “song song” thông thường. Pháo thủ ngồi trực tiếp ở tháp pháo phía bên trái, còn pháo thủ tiếp đạn và quan sát phụ ở bên phải.

Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine giống như một bức tranh với vô số sự “sáng tạo ngẫu hứng” trên chiến trường. Từ khung gầm bánh lốp đến bánh xích, chúng ta đã thấy một bộ sưu tập vũ khí đa dạng và phong phú, được trang bị trên những phương tiện này. Thậm chí một số vũ khí có từ thời Thế chiến thứ nhất, như súng máy Maxim, được trang bị thêm trên xe bán tải.

Trước đó trang Bulgarian Military cho biết, một hình ảnh hấp dẫn đã xuất hiện trên mạng xã hội Ukraine, cho thấy một vũ khí đáng chú ý trên chiến trường, đó là một chiếc xe tải Kamaz 6×6 của Quân đội Ukraine, được trang bị tháp pháo hải quân 2M-3.

Loại vũ khí “độc đáo” này, là một ví dụ khác về vũ khí phòng không, nhằm để chống máy bay không người lái, được sinh ra từ yêu cầu chiến đấu và do việc thiếu hụt nghiêm trọng các loại vũ khí tương ứng của Ukraine hiện nay.

Việc Quân đội Ukraine tận dụng các khẩu pháo 2M-3 trên tàu hải quân, lắp lên xe Kamaz 6×6 là một cách làm sáng tạo, nhưng cũng phản ánh sự thiếu hụt vũ khí chiến đấu của Quân đội Ukraine cũng như Nga hiện nay.

Quay trở lại với Lữ đoàn tấn công đặc nhiệm độc lập 60 (SSAB); đây là một đơn vị tình nguyện tương đối mới của Nga, bắt đầu hành trình chiến đấu tại Quân khu phía Bắc của Ukraine vào năm 2022.

Điều đáng chú ý là nòng cốt của Lữ đoàn 60 bao gồm các thành viên từ các đơn vị dân quân thân Nga nổi tiếng ở Donbass như Oplot và Pyatnashka. SSAB là tên dùng để chỉ Lữ đoàn tấn công đặc nhiệm độc lập, có nguồn gốc từ tiểu đoàn cùng tên.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là địa vị pháp lý của SSAB nằm ở đâu đó giữa tổ chức quân sự tư nhân Wagner PMC và một lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập của Bộ Quốc phòng Nga.

Theo điều khoản hợp đồng, một lính tình nguyện của Lữ đoàn 60 SSAB nhận được mức thù lao bắt đầu khoảng 240 nghìn rúp (2.720 USD), cùng với tiền thưởng không giới hạn. Lính của Lữ đoàn 60 là lính nam tình nguyện, tuổi từ 20 đến 55 tuổi, kể cả những người chưa có kinh nghiệm chiến đấu.

Ban đầu, những người được tuyển dụng của SSAB sẽ trải qua thời gian đào tạo kéo dài hai tuần tại thao trường huấn luyện chung, sau đó căn cứ vào khả năng của họ, có thể ra chiến trường ngay hoặc tiếp tục huấn luyện bổ sung.

Trong trường hợp không may một tình nguyện viên tử vong tại mặt trận, Chỉnh phủ Nga bồi thường đầy đủ cho gia đình, giống như những người lính hợp đồng chính quy trong Quân đội Nga.

Mặc dù Lữ đoàn 60 SSAB có tổ chức biên chế như của công ty quân sự tư nhân Wagner PMC hoặc lực lượng đặc biệt của tình báo Quân đội Nga (GRU), nhưng vũ khí chiến đấu của họ không hiện đại như của quân chính quy, khi phải sử dụng cả những vũ khí tháo từ tàu chiến, để cải tiến thành vũ khí trợ chiến, giống như Quân đội Ukraine đã làm.

Pháo hải quân 25 mm/79 2M-3M bắn đạn thật. Nguồn Bulgarian Military

Tiến Minh (theo Defence One)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-mang-hai-phao-80-nam-tuoi-toi-chien-truong-ukraine-1924663.html