Nga liên tiếp đánh chặn thành công tên lửa 'Thần biển' của Ukraine

Nga liên tiếp bắn hạ tên lửa chống hạm Neptune (Thần biển) của Ukraine, vũ khí đã hạ sát 'Soái hạm Moscow' thuộc Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga, khi Ukraine liên tiếp dùng tên lửa này tấn công các mục tiêu của Nga.

Trong những ngày đầu năm 2024 này, Nga và Ukraine đang tung ra hàng loạt tên lửa và UAV tự sát chống lại nhau trong một trận chiến trên không căng thẳng. Vào ngày 5/1, Nga tuyên bố các hệ thống phòng không của họ đã đánh chặn một tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine ở phía tây bắc Biển Đen.

Việc đánh chặn tên lửa Neptune được công bố khi Nga tăng cường tấn công bằng hàng loạt tên lửa, nhằm vào các thành phố lớn của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev. Đáp lại, Ukraine cũng đã phóng một số tên lửa và UAV tự sát. Cả hai bên đều tuyên bố bắn hạ hầu hết các tên lửa của đối phương tấn công.

Tên lửa chống hạm RK-360 Neptune của Ukraine, có nguồn gốc từ loại tên lửa hành trình của Liên Xô có tên Kh-35. Neptune hoạt động ở độ cao thấp và tốc độ cận âm, rất phù hợp với khả năng tấn công mặt đất.

Tàu tuần dương Moscow của Nga vẫn là mục tiêu nổi tiếng nhất của tên lửa hành trình Neptune, báo hiệu chiến thắng quân sự đầu tiên của Ukraine ngay từ đầu cuộc xung đột. Sau đó, Quân đội Ukraine tuyên bố rằng, vụ đánh chìm soái hạm Moscow được thực hiện độc lập mà không có sự hỗ trợ từ các nước phương Tây.

Vào đầu tháng 8/2023, có dấu hiệu cho thấy Ukraine đang mở rộng sản xuất tên lửa, khi nhà báo Natalia Moseychuk phỏng vấn với Tổng thống Zelensky về sản xuất công nghiệp quốc phòng của Ukraine và việc đầu tư của các công ty công nghệ hàng đầu của Ukraine vào lĩnh vực này.

“Ukraine hiện đang sản xuất tên lửa chống hạm Neptune, chống tăng Stugna và Corsair với số lượng đang tăng lên đáng kể, đủ đáp ứng cho yêu cầu của quân đội ở mặt trận. Nhưng bạn thậm chí không thể tưởng tượng được chúng tôi đang sản xuất bao nhiêu; đó là một con số rất lớn”, ông Zelensky nói.

Tuy nhiên, hai ngày sau, Nga đã thực hiện vụ đánh chặn tên lửa Neptune. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, vụ đánh chặn tên lửa Neptune đầu tiên vào tháng 8/2023; đây là loại tên lửa do Ukraine sản xuất trong nước, đã thu hút sự chú ý vào năm 2022 vì đã bắn chìm tàu tuần dương Moscow thuộc Dự án 1164 lớp Slava của Hải quân Nga ở Biển Đen.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Các hệ thống phòng không đã đánh chặn thành công hai tên lửa HIMARS, một tên lửa chống hạm Neptune và hai tên lửa chống radar HARM”.

Ukraine được cho là đã sửa đổi tên lửa chống hạm R-360 Neptune thành biến thể tấn công mặt đất, nhằm tấn công các mục tiêu trên bộ của Nga. Tên lửa Neptune bị nghi ngờ là đã tấn công các hệ thống phòng không S-400 tại bán đảo Crimea trong “một vài trường hợp”.

Mặc dù các chi tiết chính xác về biến thể tấn công mặt đất của tên lửa Neptune vẫn được giữ bí mật, nhưng trang EurAsian Times của Ấn Độ cho biết, tên lửa Neptune hoạt động ở độ cao thấp và có tốc độ cận âm, khiến nó phù hợp với khả năng tấn công mặt đất.

Có thể các kỹ sư Ukraine đã sửa đổi hệ thống dẫn đường và tìm kiếm mục tiêu của tên lửa Neptune ở phần mũi, vì tên lửa chống hạm thường chỉ trang bị đầu dò hồng ngoại (IR) và đầu dò vô tuyến (RF); nhưng đầu dò này sẽ có ít tác dụng với các mục tiêu mặt đất.

Trên các tên lửa tấn công mặt đất như tên lửa không đối đất (AGM), các thiết bị tìm kiếm mục tiêu bằng quang học thường được trang bị. Trong khi đó, vẫn chưa rõ chính xác những thay đổi nào đã được Ukraine thực hiện đối với hệ thống động cơ, dẫn đường của tên lửa Neptune.

Vào cuối năm ngoái, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Trung tướng Ivan Havryliu trong một cuộc phỏng vấn với trang ArmyInform cho biết, “Ukraine đang phát triển biến thể tên lửa mới cho tên lửa hành trình Neptune, dùng cho việc tấn công mục tiêu mặt đất”.

Việc Nga liên tục tuyên bố đánh chặn tên lửa của Ukraine, cũng là bằng chứng cho thấy những nỗ lực đáng kể hơn của Ukraine, nhằm trả đũa các cuộc tấn công trên không do Moscow, được thực hiện kể từ cuối tháng 12 năm ngoái, đến đầu năm nay.

Vào ngày 5/1, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, năm 2023, radar trinh sát của Nga đã quan sát và theo dõi hơn 2 triệu vật thể trên không; trong đó khoảng 600.000 là máy bay nước ngoài, hơn 2.000 là máy bay trinh sát và hơn 20 là máy bay ném bom chiến lược. Lực lượng cảnh báo máy bay đã được đặt trong tình trạng báo động cao hơn 4.000 lần”.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết thêm, Binh chủng Radar của Nga được trang bị các hệ thống radar tiên tiến, bao gồm mô-đun vận hành dữ liệu radar VIP-117M3, hệ thống công cụ tự động hóa Fundament-M; radar Nebo-MM, Podlet, Kasta-VM, Nallyudatel-FSRiKVP, Obnovleniye và Niobiy-M.

Ngoài ra, Nga còn có các loại máy bay không người lái trinh sát từ cỡ nhỏ cho đến trinh sát từ vũ trụ, những công nghệ trinh sát này, cho phép phát hiện và theo dõi bất kỳ mục tiêu nào, cả ở trên không và trong không gian vũ trụ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm, Binh chủng Radar của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đang thu được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine như: phát triển và cải tiến chiến thuật mới, dựa trên tính cơ động cao của những khí tài radar mới nhất.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-lien-tiep-danh-chan-thanh-cong-ten-lua-than-bien-cua-ukraine-1944813.html