Nga hành động ngay sau khi tiêm kích bom Su-34 bị đốt cháy tại căn cứ

Các đặc vụ của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ một người đàn ông có liên quan đến vụ đốt một tiêm kích bom Su-34 tại sân bay ở vùng Chelyabinsk.

"Cơ quan An ninh Nga đã bắt một công dân liên quan đến âm mưu phá hoại theo chỉ đạo của tình báo Ukraine tại cơ sở của Bộ Quốc phòng ở tỉnh Chelyabinsk hồi đầu tháng", FSB ra thông cáo cho biết hôm 5/1.

Danh tính nghi phạm chưa được nhà chức trách Nga công bố. FSB cho biết, tình báo Ukraine đã tuyển mộ người này qua mạng xã hội.

Nghi phạm được cho là cũng liên quan đến các vụ phá hoại cơ sở liên lạc, hạ tầng đường sắt ở nước Cộng hòa Dagestan thuộc Nga vào tháng 11 và 12/2023.

"FSB đã thu giữ các những thiết bị chứa báo cáo bằng hình ảnh và liên lạc giữa nghi phạm với các đặc vụ Ukraine. Nghi phạm và các tài liệu liên quan đã được bàn giao cho Ủy ban Điều tra", FSB thông báo.

Trước đó, Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) hôm 4/1/2024 đăng video cho thấy một người không rõ danh tính đang đốt một máy bay quân sự tại khu vực đầy tuyết.

GUR cho hay cuộc tấn công nhằm vào tiêm kích bom Su-34 tại sân bay do đặc tình của họ thực hiện, nhưng không cho thấy kết quả của vụ đốt phá.

Video được cho là quay tại sân bay quân sự Shagol ở thành phố Chelyabinsk, thủ phủ của tỉnh cùng tên, cách thủ đô Moscow khoảng 1.800 km về phía đông.

Đài truyền hình Suspilne của Ukraine cho biết, vụ phá hủy tiêm kích bom Su-34 là một phần "chiến dịch đặc biệt" của GUR, được thực hiện vào đêm 3/1/2024.

Thông tin được đưa ra sau khi Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola O Meatchuk cuối tháng trước tuyên bố Nga đã mất ba chiếc Su-34, mỗi chiếc có giá 50 triệu USD, chỉ trong một ngày.

Theo dự án tình báo nguồn mở Oryx của Hà Lan chuyên ghi nhận tổn thất về thiết bị quân sự của Nga ở Ukraine, 99 máy bay, trong đó ít nhất 21 chiếc Su-34, đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi xung đột bùng nổ. Oryx cũng xác nhận 76 máy bay Ukraine đã bị phá hủy.

Tiêm kích bom Su-34 là một trong những máy bay được Nga sử dụng với cường độ cao trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Loại máy bay này thường mang theo tên lửa Kh-29 để tập kích các mục tiêu quan trọng của đối phương.

Su-34 được phát triển từ đầu những năm 1980 dựa trên tiêm kích đa năng hạng nặng Su-27. Mẫu thử ban đầu được gọi là T-10V (tên chính thức Su-27IB) thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 13/4/1990.

Do sự tan rã của Liên Xô đã khiến chương trình bị trì hoãn nhiều lần, và mãi tới giữa những năm 1990, chương trình mới tiếp tục với tên gọi mới Su-34.

Dù vậy, mãi tới thập niên gần đây thì Su-34 bắt đầu dần được trang bị hàng loạt cho Không quân Nga.

Phía nhà sản xuất cho biết Su-34 được trang bị các hệ thống điện tử điều khiển hỏa lực tối tân, với radar Leninets V004 có khả năng xác định rõ mục tiêu mặt đất ở khoảng cách 5 km.

Ngoài ra máy bay được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tinh vi, tổ hợp quan sát ảnh nhiệt cùng các màn hình hiển thị đa năng, vì thế Su-34 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu mặt đất.

Nga đã đem Su-34 sang Syria tác chiến với cường độ cao để đánh giá hiệu suất thực tế.

Tuy nhiên thực tế chiến trường tại đây cho thấy, radar của Su-34 tối tân nhưng cũng có những "điểm mù".

"Su-34 vấp phải các khó khăn lớn khi tác chiến với địa hình đồi núi và rừng rậm. Radar của Su-34 không thể soi được các mục tiêu trong điều kiện địa hình như vậy và hệ thống quan sát hiển thị ảnh nhiệt cùng các thiết bị khác cũng vấp phải những hạn chế”, một nguồn tin giấu tên trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

Các nhà quan sát cho rằng, thiết kế của Su-34 tỏ ra quá lạc hậu do kích thước nặng nề và độ cơ động kém hơn so với dòng Su-27.

Ngày nay khi các khí tài trinh sát, cảnh giới, về hệ thống tên lửa phòng không vác vai đã cực kỳ phát triển, việc chế tạo một chiến đấu cơ chuyên thực hiện nhiệm vụ xâm nhập tầm thấp luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cực cao.

Để tránh bị tiêu diệt bởi những loại vũ khí phòng không vác vai, Su-34 buộc lòng phải bay lên cao, khi vượt qua khỏi trần bay 5km, radar của Su-34 sẽ liền mất tác dụng trong việc phát hiện mục tiêu mặt đất.

Trong tác chiến đối không, radar Leninets V004 chỉ nhận biết được máy bay tiêm kích hạng nặng từ cách xa 90 km và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt ở cự ly 60 km, thông số này rõ ràng thua xa các loại chiếm ưu thế trên không chuyên nghiệp.

Chưa kể thiết kế vừa cánh đuôi vừa cánh mũi của Su-34 cho độ phản hồi tín hiệu radar quá cao sẽ khiến nó bị thua thiệt rất nhiều, không thể đối đầu sòng phẳng như kỳ vọng.

Không ít nhà phân tích cho rằng không cần có Su-34 vì Su-30SM lẫn Su-35S đều đảm đương tốt vai trò tấn công mặt đất - mặt nước tương tự như Su-34 và vượt trội về khả năng không chiến.

Nhận ra những bất cập của dòng máy bay này, nhà sản xuất đã cải tiến chúng sau kinh nghiệm thực tế tại Syria.

Hiện nay Nga vẫn đang sử dụng tích cực Su-34 cho chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra tại Ukraine.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-hanh-dong-ngay-sau-khi-tiem-kich-bom-su-34-bi-dot-chay-tai-can-cu-post563620.antd