Nga dùng kế 've sầu thoát xác' trong cuộc xung đột với Ukraine?

Quân đội Nga đã dùng kế 've sầu thoát xác' trong cuộc xung đột với Ukraine và Mỹ đã phát hiện ra rằng, có điều gì đó không ổn, cuộc chiến đã thực sự 'bị đóng băng'.

Tờ Sohu của Trung Quốc cho biết, có thể Nga đã thực hiện kế “ve sầu thoát xác”, khi chủ động “đóng băng” cuộc xung đột với Ukraine. Nếu đúng như vậy, thì cuộc chiến thực sự giữa Nga và Ukraine đã kết thúc. Hiện tại cả Nga và Ukraine không có ý định về một trận chiến quyết định, họ cũng không có quyết tâm và dũng khí để phát động một cuộc phản công lớn thực sự.

Còn hai tháng nữa mới đến mùa thu ở Ukraine và quân đội Nga không thể phát động một cuộc tấn công quy mô lớn. Cách tiếp cận hiện tại của quân đội Nga là bào mòn lực lượng vũ trang Ukraine và nhóm lính đánh thuê NATO thông qua một cuộc chiến tiêu hao.

Tất nhiên, nhiều người có quan điểm khác nhau về điều này, nhưng thực tế là đã 19 tháng kể từ khi chiến tranh bắt đầu và Nga đã bị giáng hơn 1.000 lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng Moskva vẫn có thể duy trì hiệu quả chiến đấu. Điều đó cho thấy rằng, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của phương Tây thực sự không tốt lắm.

Trước sự xuất hiện của các đơn vị chiến đấu chủ lực của Ukraine, quân đội Nga sẽ không còn tập trung vào cụm quân chủ lực, để phát động các cuộc tấn công quy mô lớn. Bởi vì đối với Nga, yếu tố bất ngờ đã mất; hiện giờ đứng sau Ukraine là Mỹ và khối NATO. Số quân Mỹ ở châu Âu đã lên tới 100.000 quân; vì lý do này, Nga cần đề phòng cả Mỹ và khối NATO.

Đối với Ukraine, họ không có máy bay chiến đấu tiên tiến, không có trực thăng vũ trang hiện đại; thậm chí số xe tăng Leopard 2 hiện đã thiệt hại 12 chiếc, 48 xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley bị phá hủy. Nhưng phương Tây hứa sẽ bổ sung cho Ukraine số xe bọc thép đã bị thiệt hại; còn máy bay chiến đấu thì chưa.

Theo Defence-au, trên chiến tuyến Zaporozhye, mặc dù quân đội Ukraine đã “tìm ra” một số lỗ hổng trong tuyến phòng thủ của Nga. Tuy nhiên những lỗ hổng này đã nằm trong tầm bao phủ hoàn toàn của pháo binh Nga. Nếu quân đội Ukraine muốn thực sự tạo thành đột phá thì cần phải mở 3-5 hướng tiến công chính.

Nhưng hiện tại quân đội Nga cũng đã “thoát khỏi vỏ bọc” của chính họ, khi sử dụng một số lượng lớn binh lính được huy động để phòng thủ ở tuyến đầu, triển khai quân chủ lực ở tuyến thứ hai; một mặt làm lực lượng dự bị, mặt khác sẵn sàng ngăn cản NATO tham chiến. Năm nay, Nga tuyển thêm 220.000 lính hợp đồng, hàng năm tuyển 220.000 lính; có thể chiến đấu bao lâu theo ý của họ.

Đối với Mỹ, dù Tổng thống Biden có hô hào bao nhiêu lần khẩu hiệu “Ủng hộ Ukraine đến cùng”, thì cũng không thể lúc nào Mỹ cũng “dốc lòng” ủng hộ Ukraine. Sau khi 43 tỷ USD được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua, viện trợ quân sự cho Ukraine đang theo “hình sin” và trên đường xuống.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, liệu Tổng thống Biden có thể tiếp tục phê duyệt hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine nữa hay không? Trong khi cuộc phản công được phương Tây kỳ vọng, vẫn “dậm chân” tại chỗ.

Hãng tin Nga Sputnik hồi đầu tháng 8 đưa tin, Đại tá Douglas McGregor, cựu cố vấn Lầu Năm Góc của Mỹ cho biết, Mỹ đã phát hiện ra “có điều gì đó không ổn”, nên Washington mong đổ lỗi cho Kiev về thất bại và "họ lặng lẽ rút lui", vì không muốn tham gia vào “thất bại chung” của Ukraine.

Lý do là Mỹ phát hiện ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tiến vào giai đoạn khó khăn nhất; mấu chốt là kho đạn pháo của quân đội Ukraine đang nhanh chóng cạn kiệt. Kiev đã tổ chức phản công trên chiến tuyến Zaporozhye trong hơn 2 tháng, nhưng chiến thắng vẫn còn rất xa.

Giờ đây, quân đội Ukraine không còn tư tưởng tấn công bằng các binh đoàn lớn, mà chỉ muốn đánh tiêu hao với quân Nga bằng hỏa lực pháo binh trên chiến trường. Kể cả khi Ukraine có thể cầm cự được với Quân đội Nga trên chiến trường, thì nguồn cung cấp đạn pháo vẫn là một vấn đề lớn.

Điểm đặc biệt của cuộc xung đột này là Nga có thể huy động lực của mình cho chiến trường và Moskva đã tổng động viên ngành công nghiệp quốc phòng thời chiến. Nhưng Mỹ và NATO thì không thể dốc toàn lực hỗ trợ Ukraine.

Giờ đây, năng lực sản xuất UAV tự sát Lancet của Nga (vũ khí được đánh giá hiệu quả nhất trên chiến trường), đã tăng gấp 50 lần. Đây thực chất là loại tên lửa chiến thuật lảng vảng. Chỉ cần quân đội Nga có 10.000 chiếc UAV Lancet, là có thể chọc thủng tuyến phòng thủ Ukraine.

Trong phạm vi 1-50 km, toàn bộ xe tăng, pháo binh và xe bọc thép của quân đội Ukraine có thể bị UAV Lancet tiêu diệt. Trên mạng Internet, không thiếu cảnh một số UAV Lancet đuổi theo xe tăng và xe bọc thép của quân đội Ukraine.

Trừ khi Mỹ và NATO có thể cung cấp cho Ukraine 10.000 tên lửa phòng không để tiêu diệt UAV Lancet của Nga; hoặc viện trợ cho Ukraine chiến đấu cơ F-16. Nếu không, quân đội Ukraine sẽ không thể phát động các chiến dịch phản công quy mô lớn.

Nhìn vào hiện tại, các chiến dịch quy mô lớn thực sự giữa Nga và Ukraine về cơ bản đã kết thúc. Trong tương lai, hầu hết các trận chiến sẽ chỉ là các trận đánh nhỏ cấp tiểu đoàn và đại đội. Nhưng việc sản xuất UAV Lancet của Nga tiếp tục tăng vọt.

Với sự cải tiến của công nghệ trinh sát hiện đại, các chiến thuật đơn giản không còn có thể đạt được kết quả tốt. Từ quan điểm tổng thể, xét về sức mạnh hạt nhân đáng sợ của Nga, kết quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay thực sự rất rõ ràng, đó là một cuộc đối đầu lâu dài.

Tiến Minh (theo Sohu, Sputnik)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-dung-ke-ve-sau-thoat-xac-trong-cuoc-xung-dot-voi-ukraine-1888878.html