Nga dùng cả tên lửa chống hạm cổ thời Liên Xô tấn công Ukraine

Quân đội Nga đã sử dụng loại tên lửa chống hạm hạng nặng P-35 cổ lỗ từ thời Liên Xô, nặng tới 4 tấn, được đưa vào hoạt động từ năm 1962 để tấn công các mục tiêu trên bộ của Ukraine.

Những mảnh vỡ của tên lửa trong một vụ tấn công gần đây của Nga vào Ukraine đã tiết lộ lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa P-35 (tên mã 3М44 Progress) ở chiến trường Ukraine. Hình ảnh của chúng đã xuất hiện trên internet.

Các hình ảnh phóng to thu hút sự chú ý đến những tàn tích đáng kể của tên lửa P-35. Tên lửa này thực sự là vũ khí “hoành tráng” nhờ chiều dài tới 10 mét và trọng lượng phóng 4 tấn.

Tên lửa P-35 ra đời từ cuối những năm 1950 và được đưa vào biên chế chiến đấu của Quân đội Liên Xô từ năm 1962, đây cũng là loại tên lửa chống hạm đầu tiên của Quân đội Liên Xô. Đến nay, loại tên lửa này đã không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại.

Phân tích hình ảnh của quả tên lửa P-35 rơi trên lãnh thổ Ukraine, có vẻ như đã bị đánh chặn và phá hủy trước khi tiếp cận mục tiêu. Là loại tên lửa chống hạm, các mục tiêu mà P-35 tấn công có lẽ nằm ở các khu vực phía nam Ukraine.

Việc xác định tàn tích đống đổ nát đó thực sự có phải là loại tên lửa chống hạm P-35 hay không, có thể là một thách thức với giới chức Ukraine? Tuy nhiên, phần cánh đặc biệt của tên lửa này đóng vai trò là một dấu hiệu để nhận biết.

Mặc dù đã cũ nhưng tên lửa chống hạm P-35 vẫn được Quân đội Nga sử dụng, đặc biệt là trong các tổ hợp tên lửa chống hạm ven biển Redut. Tính đến năm 2021, Quân đội Nga ước tính vẫn còn khoảng 8 tổ hợp như vậy.

Ngoài tổ hợp Redut, tên lửa P-35 còn được triển khai tại tổ hợp cố định Utes (còn gọi là Object-100). Tổ hợp này bao gồm các cơ sở phòng thủ ngầm gần Balaklava, nơi tên lửa được cất giữ dưới lòng đất và chỉ được nâng lên khi chuẩn bị phóng.

Hiện Quân đội Nga vẫn sử dụng hai tổ hợp này, lần lượt nằm ở bán đảo Crimea và đảo Kildin ở Biển Barents. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Object-100 ở Crimea được tái lập và được sử dụng thường xuyên để phóng tên lửa.

Quân đội Nga đã có kế hoạch hiện đại hóa các tổ hợp trên, bao gồm trang bị cho chúng các bệ phóng tên lửa Onyx và Zircon. Trong khi tên lửa P-35 trước đây được phóng từ tàu tuần dương mang tên lửa Dự án 58, nhưng hiện tại, tàu tuần dương này đã bị loại khỏi biên chế.

Tuy nhiên, việc Nga sử dụng tên lửa chống hạm cổ như P-35 để tấn công mục tiêu mặt đất được tiến hành như thế nào, hiện vẫn là việc khó đoán. Nhưng theo một số chuyên gia, việc Nga sử dụng loại vũ khí chống hạm tầm xa như vậy để tấn công mặt đất cho thấy “nỗ lực tuyệt vọng” nhằm gây ra một mức độ thiệt hại nào đó cho Ukraine, dù nhỏ đến đâu.

Nhưng một số ý kiến khác thì lại cho rằng, có thể Nga tận dụng chiến trường Ukraine để “hủy” số tên lửa đã “quá date” này với nhiều mục đích, thứ nhất là tăng thêm hỏa lực tấn công tầm xa; thứ hai nếu Ukraine đánh chặn, sẽ tiêu hao một số tên lửa đánh chặn và cuối cùng là Nga đỡ mất kinh phí tiêu hủy.

Theo một số nguồn tin, mẫu mới nhất của tên lửa P-35 là 3M44, cũng được sản xuất từ năm 1982, đến nay đã trên 40 tuổi và rất lạc hậu. Tuy nhiên, P-35 có tầm bắn tương đối xa (300 km và 460 km đối với mẫu 3M44), với tốc độ lên tới 1.800-2.200 km/h; nó có thể đánh chìm tàu nghìn tấn của đối phương chỉ với một phát bắn trúng.

Tên lửa P-35 nổi bật với hình dáng như một điếu xì gà, với cánh nâng và bộ ổn định dọc bên dưới thân. Tên lửa được trang bị một cửa hút gió dưới thân ở phần phía sau và được trang bị động cơ phản lực KRD-26 sử dụng nhiên liệu lỏng. Tên lửa được phóng ra khỏi ống phóng bằng hai tên lửa đẩy nhiên liệu rắn, sau đó động cơ nhiên liệu lỏng mới bắt đầu hoạt động.

Tầm tấn công của tên lửa P-35 được xác định bởi độ cao và đường bay của nó; tên lửa có thể được thiết lập để bay ở độ cao từ 400 đến 7.000 mét. Tùy thuộc vào độ cao, tên lửa có thể bao phủ khoảng cách tối thiểu từ 100 km đến tối đa 300 km, với tốc độ bay tối đa là M=1,8 và có thể mang đầu đạn nổ mạnh nặng tới 560 kg hoặc đầu đạn hạt nhân tới 20 kiloton.

Tên lửa P-35 sử dụng phương pháp dẫn đường quán tính kết hợp các lệnh vô tuyến trong giai đoạn đầu và bằng radar chủ động cho giai đoạn cuối. Người điều khiển tên lửa có thể theo dõi đường bay của tên lửa bằng radar trên hệ thống phóng và thực hiện những điều chỉnh nhỏ về hướng bay nếu cần.

Khi tên lửa tiếp cận gần mục tiêu, lúc này radar chủ động trên tên lửa sẽ kích hoạt, để dẫn đường cho tên lửa tấn công mục tiêu. Hệ thống dẫn đường ban đầu của tên lửa, sẽ điều chỉnh tên lửa bay trên mặt phẳng nằm ngang, lao về phía mục tiêu với tốc độ được kiểm soát.

Khi tên lửa đến gần mục tiêu, lúc này radar dẫn đường của tên lửa được kích hoạt, thì tên lửa bắt đầu điều chỉnh độ cao. Trong điều kiện thích hợp, tên lửa này còn có thể tấn công các mục tiêu ở góc bổ nhào tới 80 độ, giúp nâng cao năng lực phá hủy mục tiêu.

Tên lửa P-35 cũng có chế độ lái tự động mà không cần radar dẫn đường và điều chỉnh trong giai đoạn đầu; tuy nhiên, chế độ này dễ bị đối phương gây nhiễu và nhiều khi radar của tên lửa không thể bắt được mục tiêu.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-dung-ca-ten-lua-chong-ham-co-thoi-lien-xo-tan-cong-ukraine-1947997.html