Nga đề xuất mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc với Belarus; Minsk cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công ở biên giới

Phát biểu tại một sự kiện ra mắt hệ thống đường sắt mới ở Moscow hôm 17/8, Tổng thống Putin cho biết ông đang xem xét mở các tuyến đường sắt cao tốc mới để nối thủ đô Nga với Minsk và các thành phố mà Nga đang kiểm soát là Luhansk và Donetsk.

Ông Putin cùng thị trưởng Moscow trong sự kiện ra mắt tuyến tàu điện ngầm của thủ đô, ngày 17/8. (Nguồn: AP)

Ông Putin cùng thị trưởng Moscow trong sự kiện ra mắt tuyến tàu điện ngầm của thủ đô, ngày 17/8. (Nguồn: AP)

Phát biểu tại một sự kiện ra mắt hệ thống đường sắt mới ở Moscow hôm 17/8, Tổng thống Putin cho biết ông đang xem xét mở các tuyến đường sắt cao tốc mới để nối thủ đô Nga với Minsk và các thành phố mà Nga đang kiểm soát là Luhansk và Donetsk.

Ông nói: "Đối với tôi, có vẻ như vấn đề này [khai trương đường cao tốc] nên được giải quyết với chính phủ Belarus. Tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống". Theo ông, hướng đi của Minsk sẽ đáp ứng được cả nhu cầu của cả người dân Nga và Belarus.

Việc triển khai một tuyến mới sẽ là một sự đổi mới lớn đối với đường sắt Nga. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, chỉ có ba tuyến cao tốc hoạt động: một tuyến nối Moscow và St. Petersburg, một tuyến khác nối St. Petersburg với thủ đô Helsinki của Phần Lan và tuyến thứ ba nối Moscow với thành phố Nizhny Novgorod.

Trong một diễn biến khác, lực lượng biên phòng và các lực lượng vũ trang Lithuania đang lên kế hoạch tập trận chung vào ngày 27/8 tới để sẵn sàng trước "các mối đe dọa tiềm ẩn" tại biên giới với Belarus.

Bộ trưởng Nội vụ Lithuania, bà Agne Bilotaite, ngày 17/8 nhấn mạnh, cuộc tập trận nói trên nhằm "kiểm nghiệm một số kịch bản". Theo bà Bilotaite, kịch bản đầu tiên liên quan đến vấn đề di cư "trong trường hợp xảy ra một số tình huống bất thường", còn kịch bản thứ hai là "ứng phó với một mối đe dọa quân sự hỗn hợp ở biên giới".

Chính quyền Lithuania đang xem xét mời lực lượng biên phòng và các sỹ quan Latvia, Estonia và Ba Lan cùng tham gia tập trận. Đầu tháng 7, Lithuania đã thông qua "kế hoạch bảo vệ biên giới", mà theo bà Biloitaite, trong kế hoạch cập nhật có sự tương tác giữa Cơ quan Biên phòng quốc gia (VSAT) và quân đội Lithuania theo các mức độ đe dọa khác nhau. Bộ Nội vụ Lithuania cho biết, các kế hoạch cập nhật nhằm bảo đảm tăng cường lực lượng một cách nhanh chóng tại biên giới nước này trong trường hợp có mối đe dọa ở mức độ lớn mà không cần thêm sự phối hợp với các cơ quan khác.

Các kế hoạch của Lithuania được cập nhật để phản ứng trước việc các tay súng thuộc tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đến Belarus sau cuộc binh biến chóng vánh ở Nga. Theo các nhà lãnh đạo Lithuania và Ba Lan, số lượng binh sĩ Wagner đang ở Belarus là khoảng 4.000 người.

Tổng thống Alexander Lukashenko đã cảnh báo rằng Belarus sẽ đáp trả trong trường hợp bị xâm lược từ bên ngoài, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân mà Moscow đã triển khai trên lãnh thổ của mình.

"Nếu có một cuộc xâm lăng chống lại đất nước chúng tôi bắt đầu từ Ba Lan, Lithuania, Latvia, chúng tôi sẽ đáp trả ngay lập tức bằng tất cả những gì chúng tôi có,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Diana Panchenko, một nhà báo Ukraine hôm 17/8. “Nếu họ gây hấn với chúng tôi, không chỉ vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng. Nếu vượt qua ranh giới đỏ, chúng tôi sẽ tấn công vào các trung tâm ra quyết định. Việc này sẽ được thực hiện mà không cần báo trước”.

(theo Aljazeera/LRT/TTXVN)

Thu Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-de-xuat-mo-rong-mang-luoi-duong-sat-cao-toc-voi-belarus-minsk-canh-bao-su-dung-vu-khi-hat-nhan-neu-bi-tan-cong-o-bien-gioi-238787.html