Nga công bố hình ảnh hiếm về tên lửa 'Quỷ Satan' lớn nhất thế giới

Các phương tiện truyền thông của Nga đã công bố những hình ảnh hiếm về tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) R-36M2 - được xem là mạnh nhất trong số các tên lửa đạn đạo liên lục mà Nga đã phát triển.

Tên lửa R-36M2 (định danh NATO là SS-18 Mod 5 Satan) được trang bị công nghệ nhiều đầu đạn tái nhập khí quyển nhắm mục tiêu độc lập (MIRV), có tải trọng nặng hơn bất cứ ICBM nào hiện có trên thế giới.

Tầng đẩy của tên lửa R-36M2. Ảnh: The Drive

Ông Dmitry Kornev, chuyên gia quân sự người Nga – người sáng lập cổng thông tin quân sự Nga Military Russia đã đăng những hình ảnh về tầng điều hướng (Payload bus) của R-36M2 trên Twitter, được cắt ra từ các video trên kênh truyền hình nhà nước Russia-24 của Nga và đài truyền hình chính thức của Bộ Quốc phòng Nga TV Zvezda. Đây được cho là một trong những bộ phận quan trọng nhất của tên lửa.

Tên lửa R-36M2 sử dụng nhiên liệu lỏng 2 giai đoạn được Liên Xô bắt đầu phát triển vào đầu những năm 1980. Đây là phiên bản nâng cấp của R-36M. So với phiên bản trước đó, tên lửa Satan có thể mang theo nhiều vũ khí hơn, được trang bị các loại đầu đạn mới. R-36M ban đầu được chế tạo để thay thế các tên lửa dòng R-36 cũ hơn, phát triển vào những năm 1970.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa R-36M và R-36 (định danh NATO SS-9 Scarp) là sự thay đổi về thiết kế, áp dụng cơ chế phóng lạnh, theo đó sử dụng khí nén hoặc động cơ phụ để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng trước khi động cơ chính của nó hoạt động.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) R-36M2 được gọi là ICBM hạng nặng do có kích thước rất đồ sộ có chiều dài 37,2 m, đường kính 3m, trọng lượng phóng 211,1 tấn khi nạp đủ nhiên liệu. Trong khi đó, tên lửa LGM-30G Minuteman III của Không quân Mỹ chỉ dài 18,3 m, đường kính 1,67 mét và trọng lượng khi phóng gần 40 tấn.

Tên lửa R-36M2 có tầm bắn từ 10.000 đến 12.000 km tối đa 16.000 km. Đây cũng là tên lửa liên lục địa có tầm bắn xa nhất thế giới. Nó có tốc độ tái nhập bầu khí quyển rất lớn cùng hệ thống mồi bẫy tinh vi nên rất khó đánh chặn. Tên lửa được thiết kế để phóng từ các silo cố định trong lòng đất. Silo có chiều sâu 41,5 m, đường kính trục 8,3 m, đường kính cửa 4,64 m. Các tham số quan trọng nhất của tên lửa đều được mã hóa và kiểm soát thường xuyên để tăng cường độ tin cậy khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Cơ cấu khoang bảo quản mới cho phép R-36M2 hoạt động trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.

Những hình ảnh mà ông Kornev chia sẻ đã cho thấy cấu tạo của tầng điều hướng (payload bus). Bộ phận này có thể mang tới 14 đầu đạn, xếp thành hai hàng. Một số nguồn tin cho biết các đầu đạn có thể có đương lượng nổ từ 550 đến 750 kiloton, trong khi một số người khác cho rằng, chúng có thể mạnh hơn, từ 750 kiloton đến 1 megaton. Ngoài khả năng tiêu diệt mục tiêu khi cho nổ ở độ cao thấp, R-36M2 còn có thể sử dụng như vũ khí điện từ (EMP) khi cho nổ ở độ cao lớn tạo "sát thương" bằng sóng điện từ và phân tán bụi hạt nhân trên lãnh thổ đối phương.

Theo ông Kornev, mỗi tên lửa thường được nạp 10 đầu đạn. 4 khe chứa đầu đạn còn lại có thể được lắp mồi nhử hoặc các thiết bị khác nhằm gây khó khăn cho đối phương khi xác định đâu là mối đe dọa thực sự trong số các vật thể bay đến. Đối phương sẽ dễ nhầm lẫn khi theo dõi và đánh chặn tên lửa bay tới.

Một số hình ảnh chia sẻ trên Twitter cho thấy vật thể nhiều khả năng là mồi nhử ở phía trước phương tiện mang đa đầu đạn tấn công sau phóng. Bên cạnh đó, 4 động cơ độc lập ở phía sau phương tiện sẽ được sử dụng để xác định vị trí của nó trong không gian trước khi phóng đầu đạn và mồi nhử dọc theo đường bay. Một bộ phận khác gây tò mò không kém là bộ phận nhô ra ở đầu của phương tiện. Nó có dạng hình nón, được thiết kế để giảm lực cản khi phóng.

Chưa rõ lý do Nga công khai hình ảnh hiếm về bộ phận đặc biệt này của tên lửa R-36M2, khi mà trong thời gian tới, chúng có thể được thay thế bằng RS-28 Sarmat mà phương Tây gọi là SS-X-30 Satan 2.

Tuy vậy, thời gian tên lửa Satan 2 mới dự kiến đưa vào hoạt động vẫn chưa được xác định. Việc phát triển RS-28 Sarmat đã bị chậm trễ ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2. Trong bối cảnh phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm làm tê liệt ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, quá trình hoàn thiện RS-28 Sarmat được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn. Một số nguồn tin cho biết, Điện Kremlin đã phải tạm dừng các kế hoạch chi tiêu quốc phòng dài hạn do cuộc xung đột với Ukraine./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/nga-cong-bo-hinh-anh-hiem-ve-ten-lua-quy-satan-lon-nhat-the-gioi-post985641.vov