Nga chuẩn bị bán LNG cho các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương

Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết Nga đã thảo luận với các nước châu Á-Thái Bình Dương về các hợp đồng dài hạn mới cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như khả năng đầu tư của họ vào các nhà máy LNG.

Kể từ khi bị phương Tây áp lệnh trừng phạt vào cuối tháng 2/2022, Nga đã và đang đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình khỏi châu Âu, vốn là đối tác thương mại lớn nhất theo truyền thống.

Ông Novak cho biết trong chuyên mục phỏng vấn với Tạp chí Nội bộ của Bộ Năng lượng rằng sự hợp tác trong các dự án LNG đang được phát triển với các đối tác từ châu Á-Thái Bình Dương.

Tàu chở LNG Maria Energy neo đậu tại cảng Uniper LNG ở Wilhelmshaven, miền Bắc nước Đức, ngày 4/1/2023 - Ảnh: Getty Images.

“Khả năng ký kết các hợp đồng dài hạn mới để cung cấp LNG, bao gồm cả từ các dự án trong tương lai, cũng như việc tham gia góp vốn vào một số doanh nghiệp LNG đang được thảo luận”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Quỹ Con đường Tơ lụa của Trung Quốc đã có 9,9% cổ phần trong nhà máy Yamal LNG của Nga, trong khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) sở hữu 20% cổ phần trong dự án.

Nga cũng có kế hoạch mở rộng công suất của các đường ống dẫn dầu quan trọng lên 32 triệu tấn mỗi năm vào năm 2026 khi nước này tìm cách củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Á.

Công ty cung cấp dầu khí Rosneft sẽ gửi 30 triệu tấn (600.000 thùng mỗi ngày) dầu tới Trung Quốc thông qua đường ống Skovorodino-Mohe trong năm nay.

Ông Novak nhắc lại rằng Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu sang phương Tây trong năm nay xuống chỉ còn 87 triệu tấn so với 223 triệu tấn được cung cấp trước đó, mà không nêu rõ thời gian.

Theo các nhà phân tích, khi vị thế của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu giảm sút, Mỹ và Qatar nổi lên là một trong số ít quốc gia sẵn sàng và có khả năng lấp đầy chỗ trống mà nước này bỏ lại.

“Thị phần cung ứng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga gần như chắc chắn sẽ giảm trong thập kỷ này”, ông Henning Gloystein, giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên tại công ty tư vấn chính trị Eurasia Group, nói với CNBC.

Năm 2021, thời điểm trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, đồng thời là nước xuất khẩu LNG lớn thứ 4, sau Australia, Qatar và Mỹ. Khi Nga thất thế, các quốc gia này được dự báo sẽ lập tức lấp đầy chỗ trống.

Khánh Vy (Theo HSNW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-chuan-bi-ban-lng-cho-cac-quoc-gia-chau-a-thai-binh-duong-post251052.html