Nga bắt đầu kết nối các đường ống quan trọng với châu Á

Tuyến đường mới sẽ kết nối các đường ống Power of Siberia và Sakhalin-Khabarovsk-Vladivostok.

Nga bắt đầu kết nối các đường ống quan trọng với châu Á. Hình minh họa

Gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga đã bắt đầu thực hiện kế hoạch kết nối các đường ống dẫn khí của đất nước với hệ thống vận chuyển khí đốt trên toàn quốc, tập đoàn đã đưa ra thông báo chính thức trên kênh Telegram.

Theo thông báo, Gazprom đã triển khai xây dựng đoạn Belogorsk-Khabarovsk dài 800km của đường ống mới ở vùng Viễn Đông thuộc Nga, tuyến đường sẽ kết nối Power of Siberia và các tuyến khí đốt Sakhalin-Khabarovsk-Vladivostok.

Đường ống này sẽ được tích hợp vào Hệ thống cung cấp khí đốt phía Đông, nơi Gazprom có kế hoạch liên kết cơ sở hạ tầng khí đốt hiện có với phía Tây đất nước.

Tập đoàn cho biết: “Điều này sẽ mang lại độ tin cậy và tính linh hoạt cao cho nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng trong nước và sẽ mở ra những cơ hội mới cho việc khí hóa các khu vực Siberia và Viễn Đông”.

Ngoài nguồn cung trong nước, đường ống Power of Siberia còn cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc theo thỏa thuận 30 năm. Việc liên kết đường ống này với đảo Sakhalin, nguồn khí đốt chính, có thể cho phép Nga tăng cường hơn nữa lượng khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tháng 11 năm ngoái, Phó Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) Xie Jun tiết lộ rằng họ đã hợp tác với Gazprom trong dự án tuyến đường Viễn Đông, bao gồm việc xây dựng một đoạn xuyên biên giới qua sông Ussuri giữa đường ống Sakhalin-Khabarovsk-Vladivostok và thành phố Hổ Lâm của Trung Quốc.

Gazprom cũng đã lên kế hoạch cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia 2 đi qua Mông Cổ. Đường ống này dự kiến sẽ cho phép vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt hàng năm, lấy nguồn khí đốt tự nhiên từ Bán đảo Yamal của Nga, nơi đã từng phục vụ thị trường EU trước khi diễn ra cuộc xung đột tại Ukraine.

Tuy nhiên, vào tháng 1, có thông tin cho rằng việc xây dựng đường ống dự kiến sẽ bị hoãn lại do Bắc Kinh và Moscow cần thêm thời gian để tiến hành các nghiên cứu kinh tế về dự án.

Anh Thư

TASS

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-bat-dau-ket-noi-cac-duong-ong-quan-trong-voi-chau-a-708040.html