Nga 'báo thù' bằng siêu bom, tình hình chiến trường bất ổn cho Kiev

Kể từ vụ tấn công khủng bố tại Phòng hòa nhạc Moscow, thái độ của Nga đã thay đổi mạnh mẽ, từ 'báo thù' đã được thực hiện triệt để, cả bằng lời nói lẫn hành động; do vậy tình hình chiến trường có lẽ không ổn cho Kiev.

Tại cuộc họp thường niên lần thứ 19 của các thư ký hội đồng an ninh các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, khi nói về vụ tấn công khủng bố ở Moscow vừa qua, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Nikolai Patrushev đã phát biểu nhấn mạnh rằng, mọi dấu vết đều dẫn đến đặc vụ Ukraine.

Ông Patrushev cho biết, theo các cơ quan liên quan của Nga, những kẻ khủng bố đều đến từ ISIS, nhưng lại có liên quan đến đặc vụ phương Tây. Sau cuộc điều tra chi tiết, Bộ Ngoại giao Nga ngày 31/3 tuyên bố, vụ tấn công khủng bố là do Chính phủ Ukraine lên kế hoạch.

Ngoài ra, các vụ tấn công cầu Crimea và vụ nổ quán cà phê trên Đảo Vasily ở thành phố St. Petersburg cũng do cơ quan mật vụ Ukraine đứng sau. Do vậy, Nga yêu cầu Ukraine ngừng hỗ trợ các hoạt động khủng bố và thay mặt các nạn nhân yêu cầu Ukraine bồi thường.

Nhưng nếu chỉ nói tới đó thì rõ ràng là chưa đủ mạnh, nên nhiều loại tên lửa và UAV tự sát tầm xa của Nga đã được phóng đi. Ngày 29/3, Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola O Meatchuk công bố một số liệu cho thấy, sáng sớm ngày hôm đó, lực lượng phòng không Ukraine đã tiêu diệt 84 mục tiêu trên không.

Đích đến của những tên lửa và UAV của Nga rất rõ ràng, tất cả đều là cơ sở hạ tầng ngành năng lượng và nhiên liệu của Ukraine. Động thái của Nga chỉ nhằm mục đích cản trở Ukraine và đẩy họ vào cuộc khủng hoảng năng lượng.

Hãng tin Anh Reuters đưa tin, ngày 22/3, Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV tự sát tầm xa vào Nhà máy thủy điện DniproHES ở thành phố Zaporozhye, miền Nam Ukraine, gây mất điện ở một số khu vực. Và để khắc phục được, Ukraine phải mất một năm rưỡi.

Ngoài ra, Nga cũng đã nâng cấp các loại vũ khí mà nước này sử dụng để tấn công Ukraine. Ngay sau cuộc không kích vào DniproHES, hai tên lửa siêu thanh Zircon đã được phóng đi, một quả bay thẳng tới Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và quả còn lại bay tới sân bay quốc tế Kiev.

Tại miền bắc Ukraine, Nga trực tiếp sử dụng "siêu bom" ODAB-1500. Đây là lần đầu tiên loại bom nhiệt áp này được sử dụng trên chiến trường Ukraine. Sau khi được thả xuống đất, một đám mây hình nấm khổng lồ xuất hiện tại hiện trường. Người ngoài suy đoán rằng, bán kính sát thương của bom có thể lên tới 500 mét.

Bom nhiệt áp ODAB-1500 được ví là vũ khí “phi hạt nhân”, đầu tiên giải phóng các chất dễ cháy ở trạng thái son khí, sau đó đốt cháy chúng bằng áp suất lớn, khiến các sinh lực trong khu vực không chết vì sức ép của bom, cũng chết vì nhiệt và thiếu oxy để thở.

Bom nhiệt áp FAB-1500 là vũ khí hủy diệt từ thời Chiến tranh Lạnh, đang được Nga khôi phục sản xuất và sẽ được sử dụng như một phần của "các hoạt động quân sự đặc biệt" trong thời gian tới. Ngoài ra, loại bom phá hặng nặng FAB-5000 và FAB-9000 cũng có thể được sử dụng, nếu có cơ hội.

Như vậy, tình hình chiến trường đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho Kiev. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Mỹ, Tổng thống Zelensky bắt đầu gây áp lực lên Mỹ, cho rằng “nếu Mỹ không hỗ trợ”, thì Ukraine sẽ “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút lui”.

Mặc dù Kiev đã ra luật cấm đàm phán với Nga, nhưng Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố rằng, Moscow và Kiev có thể bắt đầu đàm phán hòa bình ngay cả khi không khôi phục lại biên giới Ukraine năm 1991.

Ukraine đang lâm vào thế khó khăn khi họ hết đạn pháo và tên lửa phòng không, nếu NATO không cung cấp viện trợ mới, họ có thể sẽ không thể tồn tại trong mùa hè này. Hai năm trước, người Ukraine nô nức đến các trung tâm tuyển quân; nhưng giờ đây, số người chết trận đã khiến người Ukraine thêm bi quan.

Về phía Nga, sau vụ tấn công khủng bố vào phòng hòa nhạc ở Moscow vừa qua, người dân Nga vô cùng phẫn nộ và kêu gọi khôi phục án tử hình. Vào ngày 31/3, Tổng thống Putin đã ký lệnh nhập ngũ mùa xuân của Liên bang Nga, cho biết 150.000 thanh niên từ 18 đến 30 tuổi sẽ nhập ngũ.

Với những cảm xúc cộng với sức mạnh quân sự như vậy, và trong bối cảnh của từ “báo thù” đang lên cao, rõ ràng với lợi thế hiện có, Nga có thể sẽ không thể đồng ý ngay với yêu cầu đàm phán hòa bình của Tổng thông Zelensky.

Trước đó vào ngày 28/3, Tổng thống Zelensky tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng, nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn trong mấy tháng tiếp theo, Lực lượng Vũ trang Ukraine có thể phải rút lui, do pháo binh của Ukraine đã hết đạn.

Vào ngày 29/3, ông Podoljak, cố vấn cho Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Mỹ CNN, “Chúng tôi đang ở thế phòng thủ và Nga đang gây áp lực lên chúng tôi…

Quân đội Nga đang ngày càng đẩy mạnh hơn nữa tấn công trên toàn chiến tuyến. Ngoài ra, chúng tôi còn biết Quân đội Nga tiếp tục trang bị vũ khí, tăng cường huy động lực lượng dự bị của họ. Trong khi đó, chúng tôi sẽ không thể giải quyết tình trạng thiếu vũ khí hiện nay”.

Vào ngày 29/3, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Syrsky trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Ukraine Ukrinform cho biết, “tình hình ở tiền tuyến thực sự khó khăn” và “kẻ thù có thể tiến hành pháo kích liên tục vào một vị trí nào đó, lợi thế về số đạn pháo bắn ra là gần 6:1”.

Tướng Syrsky cũng đã nói về nguyên nhân thực sự dẫn đến sự sụp đổ của pháo đài Avdiivka; đồng thời cho biết, yêu cầu huy động thêm 500.000 quân của Ukraine đã giảm đi rất nhiều.

Hiện tại, có vẻ như các quan chức cấp cao Ukraine có phần đang tỏ ra “bi quan” với tình hình. Từ các vấn đề đã nêu ở trên, có lẽ diễn biến chiến trường Ukraine đang theo chiều hướng “không ổn” cho Kiev. (Nguồn ảnh: TASS, Topwar, CNN, Bild, Ukrinform).

Tiến Minh (Theo Topwar, Reuters)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-bao-thu-bang-sieu-bom-tinh-hinh-chien-truong-bat-on-cho-kiev-1975516.html