New Zealand nâng mức báo động về sự hoạt động của núi lửa Taupo

Núi lửa Taupo ở New Zealand là nguồn gốc của vụ phun trào lớn nhất Trái đất trong 5.000 năm qua.

Vụ phun trào núi lửa Taupo cách đây 1.800 năm tạo ra hồ nước ngọt lớn nhất New Zealand. (Nguồn: Sky News)

Vụ phun trào núi lửa Taupo cách đây 1.800 năm tạo ra hồ nước ngọt lớn nhất New Zealand. (Nguồn: Sky News)

Mới đây, Cơ quan địa chất GeoNet cho biết, gần 700 trận động đất nhỏ đã được phát hiện bên dưới hồ Taupo, miệng núi lửa được tạo ra từ vụ phun trào trước đây, đồng thời cũng là hồ lớn nhất của New Zealand.

Trước diễn biến trên, các nhà khoa học New Zealand đã nâng mức cảnh báo từ mức 0 lên mức 1 đối với ngọn núi lửa này.

Theo cơ quan này, đây là lần đầu tiên họ nâng mức cảnh báo của núi lửa Taupo lên mức 1 nhưng đây không phải là lần đầu tiên ngọn núi này xảy ra tình trạng bất ổn, khả năng xảy ra một vụ phun trào vẫn còn rất thấp. Tuy nhiên, Geonet cảnh báo rằng, các trận động đất và biến dạng địa chất có thể tiếp tục trong những tuần hoặc tháng tới.

Hệ thống cảnh báo núi lửa dựa trên sáu cấp độ leo thang của tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, Geonet lưu ý rằng, các vụ phun trào có thể xảy ra ở bất kỳ cấp độ nào và các cấp độ có thể không xảy ra theo trình tự vì hoạt động phun trào có thể thay đổi nhanh chóng.

Núi lửa Taupo phun trào lần cuối cách đây khoảng 1.800 năm. Ngọn núi này đã “tung” ra hơn 100 km khối vật chất vào bầu khí quyển vào năm 200 trước Công nguyên.

Vụ phun trào đã tàn phá một khu vực rộng lớn của Đảo Bắc (North Island), một trong hai đảo chính của New Zealand, trong thời kỳ trước khi có sự sinh sống của con người. Geonet cho biết, đây là vụ phun trào lớn nhất hành tinh trong vòng 5.000 năm qua.

New Zealand là quốc gia nằm trên ranh giới giữa các mảng kiến tạo địa chất ở Thái Bình Dương và Australia. Nơi này đã trải qua nhiều trận động đất và phun trào núi lửa.

Vào năm 2019, một ngọn núi lửa ở bờ biển phía Đông Đảo Trắng (White Island, Whakaari), đột ngột phun trào khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, 18 người bị thương và nhiều người khác được báo cáo vẫn còn mất tích. Theo thông báo của cơ quan địa chất New Zealand, đợt phun trào này đã tạo ra một cột tro bụi cao khoảng 3.658 m tại Đảo Trắng.

Theo trang Stuff, Đảo Trắng thuộc cấu trúc núi lửa lớn nhất và hoạt động mạnh nhất ở New Zealand. Hòn đảo thực chất được hình thành do hoạt động liên tục của núi lửa trong 150.000 năm qua và hầu như liên tục phun ra khí núi lửa ít nhất từ năm 1769.

(theo Sky News)

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/new-zealand-nang-muc-bao-dong-ve-su-hoat-dong-cua-nui-lua-taupo-199137.html