Nếu thu thì chi thế nào?

Theo Bộ Tài chính, nếu thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, ngân sách nhà nước sẽ có thêm 1.200 tỷ đồng/năm. 'Nên dành ít nhất 50% tổng thu này để tái đầu tư cho công tác quản lý khí thải', TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đề xuất.

Mức phí cố định là 3 triệu đồng/năm

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Lý giải về sự cần thiết ban hành Nghị định, Bộ Tài chính cho rằng, ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, có thời điểm chất lượng ô nhiễm môi trường không khí ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.

Hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực, hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp. Bên cạnh đó, cả nước có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, chưa hoàn thành xử lý triệt để; khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng, hoạt động xây dựng nhà ở, khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải diễn ra khắp nơi trong cả nước.

Thực tế cho thấy, các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường. Trong khi đó, phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường không khí. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là cần thiết.

Theo Bộ Tài chính, đây là khoản thu mới, dự kiến trước mắt chỉ quy định người nộp phí là các cơ sở xả khí thải quy định tại cột (2) Phụ lục XXIX ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (các doanh nghiệp sản xuất gang thép, luyện kim, sản xuất hóa chất vô cơ; phân bón vô cơ; thuốc bảo vệ thực vật hóa học; lọc, hóa dầu; sản xuất xi măng...). Mức phí gồm 2 phần: Phí cố định thu đối với mọi cơ sở xả khí thải để bảo đảm chi phí xử lý các chất nằm ngoài 4 chất (bụi tổng, NOx, SOx, CO), với mức thu 3 triệu đồng/năm; phí biến đổi thu bổ sung đối với các cơ sở phải quan trắc khí thải (thu đối với 4 chất bụi tổng, NOx, SOx, CO) là từ 500 - 800 đồng/tấn.

Nên có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp áp dụng BAT

Đánh giá về bản dự thảo này, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quy định này là rất cần thiết và thiết kế các quy định cơ bản là hợp lý. Tuy vậy, vẫn còn một số nội dung cần được làm rõ hoặc phải chỉnh sửa.

Cụ thể, trước tiên là về đối tượng thu phí dường như đang quá rộng. Ông Tùng phân tích, phụ lục XXIX của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định áp dụng với dự án, cơ sở xả bụi, khí thải công nghiệp ra môi trường phải thực hiện quan trắc tự động, liên tục, quan trắc định kỳ, tức phải có giấy phép môi trường, nhưng lại không quy định với đăng ký môi trường (không cần quan trắc). Tuy nhiên, điều 5 của Dự thảo Nghị định lại quy định áp dụng đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải tự động, liên tục hoặc quan trắc định kỳ phải nộp phí cố định 3 triệu đồng/cơ sở/năm. “Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là rất mới nên cần có lộ trình. Trước mắt chỉ nên áp dụng với các cơ sở có giấy phép môi trường, tức là những đối tượng xả thải chính, còn với những cơ sở chỉ có đăng ký môi trường thì chưa nên áp dụng”, ông Tùng đề xuất.

Cũng theo vị chuyên gia này, phí cố định chỉ nên áp dụng với các cơ sở xả thải ở lưu lượng thấp (cần tính toán cụ thể mức này), thay vì áp dụng chung cho tất cả các cơ sở. Đối với những cơ sở xả thải lớn hơn, như nhà máy xi măng, nhiệt điện... thì nên tính phí dựa trên tổng khối lượng bụi, khí thải phát ra trong năm. Nếu phát thải càng lớn càng phải đóng phí cao lên, để các doanh nghiệp thấy rõ sự khác biệt giữa đầu tư cho công nghệ hiện đại nhằm giảm phát thải với việc không đầu tư đổi mới công nghệ. Đặc biệt, Nghị định cần có chính sách khuyến khích cụ thể với những doanh nghiệp áp dụng Kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) đã được luật hóa trong Luật Bảo vệu môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ chính sách cho các doanh nghiệp này.

Mức phí là vấn đề đang được doanh nghiệp, chuyên gia quan tâm. Trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính chưa làm rõ vì sao lại quy định chỉ thu phí cố định là 3 triệu đồng/cơ sở/năm và 500 - 800 đồng/tấn bụi tổng, NOx, SOx, CO phí biến đổi thu bổ sung đối với các cơ sở phải quan trắc khí thải. Do đó, theo các chuyên gia, cần làm rõ cơ sở mức phí này, bởi nếu mức phí quá thấp sẽ không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ mới nhằm giảm phát thải.

Dự thảo cũng quy định, cơ sở xả khí thải hoạt động công ích thuộc loại hình tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải y tế, chất thải nguy hại nộp mức phí tương ứng là 50% số phí phải nộp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không nên phân biệt thu phí giữa cơ sở công ích với ngoài công ích để bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp.

Thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là vấn đề mới, nếu áp dụng theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giúp ngân sách tăng khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Các chuyên gia lưu ý, cần tính toán để sử dụng nguồn phí này cho hiệu quả, nếu không sẽ tạo tâm lý tận thu. “Nên dành ít nhất 50% để tái đầu tư cho công tác quản lý, gồm nhân lực, công nghệ, vấn đề quan trắc, thanh kiểm tra… Bởi lâu nay, kinh phí cho bảo vệ môi trường không khí vẫn chưa được quan tâm dành nguồn lực thực hiện và nếu tiếp tục như thế, chúng ta sẽ khó bảo vệ được môi trường không khí”, TS. Hoàng Dương Tùng nêu ý kiến.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/neu-thu-thi-chi-the-nao-i340726/